Sáng 22-6, Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 13 (khóa XII) đã diễn ra, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Cắt giảm lao động sẽ lan rộng
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có khoảng 84,8% số doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn (trong tổng số 132.000 DN được điều tra theo báo cáo của Tổng cục Thống kê).
Gần 67% số DN được khảo sát đã thực hiện ít nhất một trong 4 giải pháp về lao động để ứng phó với tác động của dịch bệnh, như: cắt giảm lao động, giãn việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc không lương, cắt giảm lương. Trong đó, cho lao động giãn việc, nghỉ luân phiên là giải pháp được áp dụng phổ biến nhất.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa tháng 4-2020, cả nước có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống... "Theo báo cáo của các cấp Công đoàn (CĐ), đến hết tháng 4, có 5.681 DN và 1.310 đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phải giải thể, ngừng việc, thu hẹp quy mô sản xuất, tác động đến đời sống, việc làm của hơn 461.000 người lao động (NLĐ)" - ông Hải cho biết thêm.
Nhiều DN gia công (dệt may, da giày…) do ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường (Mỹ, châu Âu…) đã chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với một bộ phận NLĐ khiến đời sống của NLĐ, nhất là các gia đình có nhiều thành viên cùng thuộc diện bị cắt giảm, chấm dứt hợp đồng, lâm vào khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - tặng quà cho nữ công nhân Công ty CP Giày da Huê Phong Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Khảo sát tại nhiều DN, những tháng tới, do không ít DN xuất khẩu không có đơn hàng, nên số lượng NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể tăng thêm. Hiện nhiều DN đang lên kế hoạch giảm số lượng lao động trong một vài tháng tới" - ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khuyến cáo.
Đóng góp ý kiến vào nội dung này, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho rằng cần tăng cường công tác dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh, việc làm của các DN trong thời gian tới trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đó đề ra các phương án bảo vệ đoàn viên - lao động cũng như đề ra các chính sách chăm lo cho họ.
Đồng hành với cả nước, cùng "chống dịch như chống giặc", Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành 16 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp CĐ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của CNVC-LĐ trong việc chủ động phòng chống, hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe, an toàn vệ sinh cho NLĐ, bám sát theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh.
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã thành lập tổ công tác nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xây dựng kế hoạch khảo sát trực tuyến, nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh đối với đời sống, việc làm của CNVC-LĐ và tổ chức CĐ; đề xuất chính sách, giải pháp hỗ trợ và giải quyết các vấn đề liên quan.
Xem xét, sửa đổi các điều kiện hỗ trợ công nhân
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Viêt Nam, trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, đồng hành với DN, các cấp CĐ đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho đoàn viên - lao động khó khăn.
Cụ thể, ngày 18-3, Đoàn Chủ tịch đã ban hành công văn về việc lùi thời điểm đóng kinh phí CĐ đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến ngày 31-12-2020; ban hành quyết định về việc hỗ trợ cho đoàn viên - lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ nguồn tài chính CĐ và các nguồn huy động xã hội khác với tổng kinh phí gần 500 tỉ đồng.
Các cấp CĐ cả nước cũng đã tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi NLĐ; thương lượng với DN để bố trí các phương án lao động phù hợp, bảo vệ việc làm cho NLĐ… Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có chủ trương cho phép các CĐ sử dụng kinh phí hỗ trợ cho NLĐ trong phòng dịch, vì vậy nhiều LĐLĐ tỉnh, TP, ngành đã chủ động trích ngân sách CĐ để hỗ trợ kịp thời NLĐ có hoàn cảnh khó khăn ngay từ đầu mùa dịch. Đến nay, ước tính đã có hàng trăm tỉ đồng hỗ trợ NLĐ.
Cùng với việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi NLĐ, các cấp CĐ đã vận động, phối hợp với DN, tổ chức, cá nhân có nhiều hình thức đồng hành với NLĐ như: lắp đặt cây ATM gạo, thực phẩm; bán hàng giảm giá, phiên chợ 0 đồng; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ, điện, nước sinh hoạt cho đoàn viên, NLĐ với số tiền hàng chục tỉ đồng.
Về công tác giám sát triển khai thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết một số địa phương mất nhiều thời gian rà soát đối tượng nên chậm triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ, dẫn đến số lượng công nhân được nhận hỗ trợ chưa nhiều.
Vì vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi các điều kiện hỗ trợ cho 2 đối tượng của Nghị quyết 42/NQ-CP gồm: NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương; NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng không gắn điều kiện của NLĐ với điều kiện của DN để NLĐ được hỗ trợ khó khăn kịp thời.
Bên cạnh đó cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN cũng như NLĐ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giáo dục…
Bình luận (0)