Bình thường, người lao động (NLĐ) dành hơn 40 giờ trong 168 giờ một tuần cho nơi làm việc. Với khoảng thời gian như vậy, NLĐ cần có cảm giác hạnh phúc, thoải mái và vui vẻ thì công việc mới hiệu quả.
Vì sao người lao động muốn rời đi?
Một nghiên cứu từ Social Market Foundation cho thấy những NLĐ hạnh phúc có năng suất lao động cao hơn tới 20% so với những người không hạnh phúc. Với lĩnh vực bán hàng, sự hạnh phúc của NLĐ còn mang lại tác động lớn hơn khi nâng doanh số lên tới gần 40%.
Môi trường làm việc hiện đại cũng giúp người lao động thoải mái hơn trong công việc
Kết quả khảo sát về tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2022 do Vietnam Works công bố mới đây cho thấy môi trường làm việc và chế độ lương - phúc lợi không phù hợp là lý do chính khiến NLĐ đang có việc làm ổn định muốn chuyển việc. Theo khảo sát này, với NLĐ đã có kinh nghiệm, yếu tố lương - phúc lợi là mối quan tâm hàng đầu, chiếm trên 30% và họ sẵn sàng chuyển việc khi mức lương và đãi ngộ không tương xứng, môi trường làm việc độc hại, văn hóa doanh nghiệp (DN) không còn phù hợp.
TS Đinh Thị Hồng Duyên, chuyên gia tư vấn về quản trị DN, cho rằng bên cạnh những thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh và thay đổi lớn về nguồn nhân lực, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng số lượng NLĐ muốn thay đổi công việc. "Không chỉ xin thôi việc, nhiều NLĐ còn sẵn sàng rời bỏ ngành, thay đổi cách làm việc và đặt ra nhiều yêu cầu mới cho nhà tuyển dụng. Đây là thực trạng của thị trường lao động sau khi đại dịch được kiểm soát" - bà cho biết.
Theo TS Đinh Thị Hồng Duyên, dịch COVID-19 đã khiến NLĐ chú ý đến sức khỏe tinh thần của mình và đặt nó lên trên nhiều thứ khác. NLĐ hiện nay đánh giá cao sự cân bằng trong con đường sự nghiệp với sự linh hoạt trong công việc và cuộc sống. Đây là thách thức lớn nhất mà thị trường lao động sẽ sớm đối mặt và phải chuẩn bị để đáp ứng những yêu cầu đó nếu muốn thu hút, giữ chân nhân sự.
Nói về việc giữ chân nhân sự sau khi đại dịch được kiểm soát, bà Duyên cho rằng cần xây dựng chuỗi hành trình trải nghiệm dành cho nhân viên, sau đó đánh giá và xây dựng danh sách công việc nhằm cải thiện những bất cập theo thứ tự ưu tiên. Đích nhắm của chuỗi trải nghiệm này là giữ chân nhân sự, từ đó sẽ lan tỏa hình ảnh, thương hiệu tuyển dụng và tạo thành nền tảng cho việc thu hút các ứng viên từ bên ngoài.
"Chọn việc phân tích hành trình trải nghiệm của nhân viên là để họ cảm thấy hạnh phúc khi đi làm. Họ sẽ không lê những bước chân rã rời khi đến văn phòng hay cảm thấy căng thẳng khi ngồi vào bàn làm việc. Họ sẽ không còn cảm giác hết năng lượng, rệu rã vào cuối ngày hay thở phào khi không còn phải ở DN, không phải đối mặt với công việc, với sếp và hàng núi deadline" - TS Duyên giải thích.
Ưu tiên lương, thưởng và chế độ an sinh
Báo cáo mới đây của Công ty CP Kết nối nhân tài (Talentnet) cho thấy có 3 nhóm yếu tố giúp NLĐ hạnh phúc khi đi làm, gồm: cơ hội phát triển nghề nghiệp, chính sách của công ty và văn hóa DN.
Cụ thể, chế độ lương, thưởng và an sinh là hai chính sách quan trọng nhất tác động đến sự hạnh phúc của nhân viên, với tỉ lệ lựa chọn lần lượt là 94% và 92%. Chế độ an sinh bao gồm các chính sách của công ty nhằm bảo đảm và nâng cao mức sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho NLĐ, như chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ khi nhân viên gặp khó khăn... Các loại phụ cấp là những hỗ trợ cụ thể bằng tiền hoặc hiện vật bên cạnh mức lương, như phụ cấp ăn uống, gửi xe, thiết bị làm việc...
Về cơ hội phát triển sự nghiệp, đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn và lộ trình phát triển cá nhân là hai yếu tố quan trọng nhất đối với sự hạnh phúc của NLĐ trong công việc. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo và được thử thách ở nhiều vai trò cũng được xem là yếu tố tương đối quan trọng.
Xét về khía cạnh văn hóa DN, định hướng và phong cách của đội ngũ nhân viên được đánh giá là quan trọng nhất, với 94% người được hỏi lựa chọn. Trong khi đó, danh tiếng công ty là yếu tố ít quan trọng nhất, khi khoảng 50% nhân viên được khảo sát lựa chọn.
Bà Ngô Ngọc Thục Đoan, Giám đốc cấp cao bộ phận giải pháp nguồn nhân lực của Talentnet, cho rằng để có thể tăng sự hạnh phúc cho NLĐ, DN nên số hóa một số công việc giấy tờ, lặp đi lặp lại hoặc cho phép họ thử nghiệm nhiều vai trò khác nhau. DN cũng cần xây dựng đội ngũ quản lý không chỉ đủ kiến thức chuyên môn, giàu kinh nghiệm mà còn có năng lực thấu cảm. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo DN nên đầu tư một chế độ lương, thưởng, an sinh cạnh tranh, bởi đây là yếu tố được đánh giá quan trọng hoặc rất quan trọng đối với mức độ hạnh phúc của NLĐ khi làm việc.
Ở chiều ngược lại, theo bà Thục Đoan, NLĐ cần thay đổi bản thân, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng để phù hợp với kỷ nguyên lao động mới. NLĐ nên luôn ở trong tâm thế sẵn sàng cho công việc, luôn có kế hoạch làm việc và cả những tình huống phát sinh có thể xảy ra; tập trung và phối hợp giải quyết công việc một cách hiệu quả nhất. Có như vậy, NLĐ mới cảm thấy ít áp lực trong công việc, thấy vui vẻ vì mình đã hoàn thành mọi việc một cách xuất sắc. Khi mọi việc thuận lợi, NLĐ sẽ làm việc trong một trạng thái vui vẻ hơn, nhờ vậy mà họ hạnh phúc hơn khi đi làm.
Tạo sự thoải mái, gắn kết
Theo TS Đinh Thị Hồng Duyên, xóa bỏ những phản ứng tiêu cực của NLĐ khi đi làm đồng nghĩa với việc năng suất, hiệu quả làm việc tăng lên. Điều này cũng làm tăng sự thoải mái và sự gắn kết của NLĐ, giúp họ tránh xa những lời chào mời của đối thủ cạnh tranh. Do vậy, việc làm cho NLĐ hạnh phúc đang trở thành động lực chính, không chỉ giúp DN giữ chân và thu hút nhân sự hiệu quả mà còn giúp DN phát triển bền vững.
Bình luận (0)