Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động năm 2012 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) trình Chính phủ đề xuất tăng tối đa giờ làm thêm theo 2 phương án. Phương án thứ nhất: Khống chế giờ làm thêm theo năm, tối đa không quá 600 giờ/năm, bảo đảm tổng giờ làm việc và làm thêm không quá 12 giờ mỗi ngày, không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt. Phương án thứ hai: Bỏ khống chế theo năm, tổng giờ làm việc bình thường và làm thêm không quá 12 giờ mỗi ngày, không quá 5 ngày liên tục mỗi đợt làm thêm.
Đáp ứng nhu cầu thực tế!
Ông Mai Đức Thiện, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết thời gian làm thêm tối đa 600 giờ/năm như phương án 1 được đề xuất áp dụng cho người lao động (NLĐ) làm việc trong điều kiện bình thường lẫn đặc biệt. Đề xuất này dựa trên nhiều kiến nghị của doanh nghiệp (DN), đáp ứng nhu cầu NLĐ muốn làm thêm để tăng thu nhập. “Tổng kết cho thấy nhiều DN và NLĐ thỏa thuận làm thêm đến 500-600 giờ/năm. Đây là nhu cầu xuất phát từ cả hai phía” - ông Thiện cho hay.
Ngoài ra, tăng giờ làm thêm để tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các nước châu Á. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, số giờ làm thêm của Việt Nam đang thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, như Trung Quốc 36 giờ/tháng, Lào 45 giờ/tháng, Indonesia 56 giờ/tháng, Singapore 72 giờ/tháng, Malaysia 104 giờ/tháng, Campuchia và Philippines không khống chế.
Điều 106 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày. Nếu làm việc theo tuần thì tổng giờ làm bình thường và làm thêm không quá 12 giờ một ngày, không quá 30 giờ mỗi tháng và không vượt quá 200 giờ mỗi năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.
Nên tăng tối đa 400 giờ/năm
Ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng khi xem xét đề xuất tăng giờ làm thêm trong năm thì phải xem xét tổng thể, từ điều kiện kinh tế - xã hội, sức khỏe của NLĐ, quan hệ giữa việc làm và thất nghiệp, đặc biệt là trong tương quan với giờ làm việc chính thức.
Dẫn số liệu từ các nước, ông Quảng cho hay: Các DN ở Indonesia được phép huy động NLĐ làm thêm tới 728 giờ/năm nhưng họ chỉ làm việc 40 giờ/tuần. Cộng cả thời gian làm việc tối đa và làm thêm tối đa thì quỹ thời gian làm việc của NLĐ là 2.608 giờ/năm; ở Hàn Quốc, quy định giờ làm thêm là 624 giờ/năm, giờ làm việc 40 giờ/tuần. Tổng cộng số giờ làm chính và số giờ làm thêm tối đa là 2.446 giờ/năm; ở Trung Quốc, các chỉ số tương tự là 40 giờ/tuần và 2.288 giờ/năm. “Còn ở nước ta, giới hạn trần giờ làm thêm tối đa là 300 giờ/năm nhưng phần lớn NLĐ làm việc 48 giờ/tuần, cộng thời gian làm thêm được phép tối đa thì thời gian làm việc lên tới 2.620 giờ/năm, vẫn ở mức cao so với trong khu vực” - ông Quảng so sánh. Vị đại diện tổ chức Công đoàn cho rằng nếu thực hiện tăng thời gian làm thêm theo phương án thứ nhất của Bộ LĐ-TB-XH thì NLĐ Việt Nam có thời gian làm việc cao nhất khu vực; còn nếu thực hiện phương án 2 thì có lẽ cao nhất thế giới!
Trước đó, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã đề xuất bỏ giới hạn làm thêm giờ trong tháng, đồng thời có thể xem xét tăng số giờ làm thêm tối đa lên “không quá 300 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 400 giờ”. Cùng với việc tăng giới hạn làm thêm giờ, phải bảo đảm tiền lương của NLĐ được trả lũy tiến: làm thêm giờ vào ngày thường và đến 200 giờ/năm được trả ít nhất 150%; làm thêm giờ vào ngày thường và từ 201-300 giờ/năm được trả ít nhất 200%; làm thêm giờ vào ngày thường và từ 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 250%.
Ông Huỳnh Đại Trí, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thực phẩm Cholimex:
Sẽ vắt kiệt sức của NLĐ
Hiện nay ở các ngành sản xuất, lực lượng lao động chủ yếu vẫn là lao động giản đơn, làm việc dựa vào sức người; đầu tư chất xám, công nghệ còn rất ít nên rất cực nhọc. Do đó, việc tăng giờ làm thêm lên gấp 3 lần là không khả thi vì sẽ vắt kiệt sức của NLĐ, thời gian nghỉ ngơi ít ỏi không đủ để họ tái tạo sức lao động. Vì vậy, để nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhà nước nên khuyến khích DN đầu tư vào công nghệ, quy trình sản xuất. Theo tôi, nếu nhất thiết phải tăng thì chỉ nên cân nhắc đối với một số ngành đặc thù nhưng cũng không thể tăng quá nhiều để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ.
Anh Nguyễn Văn Công (công nhân một DN tại KCX Tân Thuận, TP HCM):
Không nên tăng nhiều
Nếu làm việc 8 giờ/ngày mà thu nhập đủ sống thì không ai muốn tăng ca dù chỉ một giờ! Nhưng trong thực tế, khi đồng lương không thể nuôi sống được gia đình thì NLĐ chỉ có thể chọn tăng ca hoặc làm thêm việc khác để có thêm thu nhập. Điển hình như ở công ty tôi, mức độ tăng ca luôn được khống chế không quá 200 giờ/năm nhưng kể cả tăng ca thì vẫn không đủ sống nên nhiều anh chị công nhân, kể cả tôi, cũng phải làm thêm việc khác. Vì vậy, theo tôi, giờ làm thêm vẫn có thể tăng nhưng không thể tăng quá nhiều để bảo đảm sức khỏe. Mặt khác, tăng ca phải có sự đồng ý của NLĐ và có bên thứ ba giám sát để chắc chắn rằng DN không ép NLĐ làm việc ngày đêm.
Ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch Công đoàn Công ty Sanofi Aventis:
300 giờ/năm là hợp lý
Qua theo dõi các phương tiện truyền thông, tôi biết được Bộ LĐ-TB-XH đề xuất tăng giờ làm thêm gấp 3 lần. Theo tôi, điều này không nên vì người Việt Nam vóc dáng nhỏ bé, ăn uống thiếu thốn, chăm sóc y tế chưa tốt thì việc làm thêm quá nhiều không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân họ mà còn suy thoái nòi giống, ảnh hưởng cả thế hệ tương lai. Lý do Bộ LĐ-TB-XH và các DN đưa ra là do NLĐ muốn làm thêm. Đúng, đây là nhu cầu thực tế nhưng chính vì lương, thu nhập không đủ sống bắt buộc NLĐ phải làm thêm. Nếu thu nhập đủ sống thì ai muốn tăng ca . Vì thế, thay vì tăng giờ làm thêm thì DN nên trả lương đủ sống cho NLĐ. Theo ý kiến cá nhân tôi, tăng giờ làm thêm lên 300 giờ/năm là hợp lý nhất.
Chị Nguyễn Thị Linh, Công ty N.V (Khu Công nghệ cao TP HCM):
Không tăng ca, không sống nổi
Tôi mới vào công ty làm việc chưa được 1 năm, lương cơ bản 3.750.000 đồng/tháng, cộng thêm các khoản phụ cấp thì được khoảng 4 triệu đồng/tháng. Với mức lương như thế, bản thân tôi chưa sống được, làm sao lo cho người thân? Nếu tăng ca, mỗi tháng thu nhập của tôi khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Tôi cố gắng hạn chế chi tiêu để dành ra 3-4 triệu đồng mỗi tháng gửi về phụ giúp gia đình. Tăng ca liên tục làm tôi rất mệt mỏi, sức khỏe giảm sút nhưng không tăng ca thì không sống nổi.
Anh Lưu Văn Hưng (Khu Công nghệ cao, TP HCM):
Dù kiệt sức vẫn muốn tăng ca
Nhiều bạn bè tôi phải nuôi con nhỏ và người thân nên sau giờ làm việc, nếu công ty không tăng ca thì đều phải đi kiếm thêm việc khác để làm. Người thì buôn bán vặt, người đăng ký làm bán thời gian cho công ty khác... Nói chung là khi không được tăng ca chính thức thì họ cũng “tăng ca phi chính thức” chứ không được nghỉ ngơi. Cơ bản là tiền lương chưa đủ sống nên mới có nghịch lý là dù kiệt sức nhưng NLĐ vẫn muốn tăng ca!
Ông Trịnh Thiện Trung, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Nhà Bè, TP HCM:
Chỉ nên thực hiện trong một số ngành nghề
Ý kiến cá nhân thì tôi thấy việc tăng ca chỉ nên thực hiện trong một số ngành nghề cụ thể, tính chất và điều kiện làm việc cụ thể nào đó chứ không đồng loạt chung cho tất cả, đặc biệt với những ngành nghề có mức tiêu tốn sức lao động cao. Đành rằng tăng ca thì NLĐ có thêm thu nhập nhưng không thể chỉ vì thêm thu nhập mà lờ đi nhiều yếu tố khác như vấn đề bảo đảm sức khỏe, sức bền của NLĐ cũng như các vấn đề an toàn - vệ sinh lao động.
H.Đào - T.Nga - B.Đằng ghi
Bình luận (0)