Theo đánh giá của Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau Tết Canh Tý 2020, tình hình quan hệ lao động ổn định, không xảy ra các vụ việc phức tạp sau thời gian nghỉ Tết, phần lớn người lao động (NLĐ) tại các doanh nghiệp (DN) quay trở lại làm việc, đạt tỉ lệ từ 90% - 98%. "Việc NLĐ quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết cao là do từ trước Tết nguyên đán, không chỉ sớm điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) và công bố mức thưởng, nhiều DN còn phối hợp chặt chẽ với Công đoàn (CĐ) tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực nhằm chăm lo cho đoàn viên và NLĐ, đặc biệt là NLĐ có hoàn cảnh khó khăn" - ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.
Phúc lợi tốt để giữ người
Ghi nhận của CĐ cấp trên cơ sở tại TP HCM cho thấy các DN có tỉ lệ lao động trở lại làm việc đạt 100% cũng là các đơn vị có chính sách chăm lo, đãi ngộ NLĐ hết sức căn cơ.
Đến ngày 8-2, hơn 380 công nhân (CN) Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM) đã trở lại làm việc, đạt tỉ lệ 90% số lao động. Để động viên NLĐ, ngay trong ngày làm việc đầu tiên (3-2), ban giám đốc lì xì cho mỗi người thấp nhất 100.0000 đồng, cao nhất 700.000 đồng. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều CN tỏ ra phấn khởi khi tình hình việc làm, đặc biệt là chế độ tiền lương, phúc lợi được ổn định. Chị Lê Thị Kim Tuyến, một CN gắn bó lâu năm với công ty, cho biết: "Dù nhà nước quy định chỉ điều chỉnh LTT ở mức 240.000 đồng/người (vùng 1) song ban giám đốc đã nâng lên 260.000 đồng/người, điều này rất có lợi cho CN khi tăng ca, chưa kể quyền lợi BHXH, BHYT. Mức thưởng Tết năm nay cũng khá, bình quân từ 5 - 5,5 triệu đồng/người, chưa kể các khoản phụ cấp vẫn được duy trì khiến CN rất phấn khởi. Tin vui khác là bất chấp những khó khăn trong sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh corona, ban giám đốc vẫn bảo đảm việc làm cho CN đến hết tháng 4-2020".
Công nhân Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong luôn được ổn định việc làm, thu nhập và phúc lợi
Tại Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam (100% vốn nước ngoài; huyện Củ Chi, TP HCM), đến ngày 8-2, toàn bộ 2.607 CN đã trở lại làm việc (tỉ lệ 100%). Nhiều CN cho hay Tết Canh Tý 2020 là cái Tết có ý nghĩa nhất khi họ được ban giám đốc và CĐ cơ sở chăm lo hết sức chu đáo. Thực tế, để CN an tâm làm việc đến ngày cuối cùng, ban giám đốc và CĐ cơ sở đã chủ động ngồi lại thảo luận mức điều chỉnh LTT và lương tháng 13. Với mục tiêu giúp CN ổn định cuộc sống một cách căn cơ, công ty quyết định điều chỉnh LTT ở mức 270.000 đồng/người, cao hơn quy định 30.000 đồng. Ngoài mức thưởng Tết bình quân 6 triệu đồng/tháng, toàn thể CN còn tham dự Chương trình "Tết sum vầy" hết sức ấm cúng do ban giám đốc và CĐ phối hợp tổ chức. Nhận 2 triệu đồng hỗ trợ từ CĐ cơ sở trong chương trình, anh Đỗ Văn Đôi (bộ phận tạp vụ) không kìm được xúc động. Ngay trong những ngày đầu năm, ban chấp hành CĐ cơ sở cũng bắt tay xây dựng lại nội dung thỏa ước lao động tập thể năm 2020. Ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch CĐ cơ sở, bật mí: "Ngoài duy trì chế độ tiền lương, đãi ngộ hiện có, CĐ cơ sở dự kiến đề xuất DN cho NLĐ nghỉ thêm 1 ngày có hưởng lương trong trường hợp ông, bà qua đời. Với đề xuất này, CĐ cơ sở mong mỏi NLĐ sẽ gắn bó lâu dài với nơi làm việc".
Chăm lo đúng mức
Trao đổi với chúng tôi, giám đốc các DN và các chuyên gia quản lý nhân sự cho rằng trong bối cảnh hội nhập, khi mặt bằng tiền lương không có sự khác biệt nhiều thì chính sách phúc lợi đóng vai trò then chốt trong việc ổn định nguồn nhân lực. "Không chỉ hoàn thiện chính sách tiền lương, hiện nay có khá nhiều DN còn xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính, mua bảo hiểm sức khỏe cũng như tạo điều kiện cho NLĐ nâng cao trình độ chuyên môn. Dù phải chịu những ràng buộc nhất định song sự quan tâm của DN sẽ tạo động lực làm việc cho NLĐ, từ đó an tâm gắn bó lâu dài" - một chủ DN tại TP HCM chia sẻ.
Sau Tết, khi ban giám đốc công bố chương trình hỗ trợ vay tiền mua hàng trả góp và giải quyết khó khăn đột xuất, gần 200 CN Công ty CP Thực phẩm Hòa Bình quận 11, TP HCM) rất phấn khích. Với chương trình này, CN có cơ hội vay tiền mua sắm vật dụng thiết yếu hoặc trang trải chi phí sinh hoạt; mức vay phụ thuộc vào thu nhập và khả năng thanh toán của CN. Trường hợp CN vì lý do bất khả kháng không thể thanh toán tiền vay, ban giám đốc sẽ đứng ra bảo lãnh để họ an tâm làm việc. "Với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng, CN đủ sức tham gia chương trình. Ban giám đốc và đối tác sẽ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp để họ có thể lựa chọn gói sản phẩm dịch vụ phù hợp" - ông Lê Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc công ty, chia sẻ. Năm 2019, dù gặp khó khăn song công ty vẫn ổn định thu nhập cho NLĐ với mức 6,6 triệu đồng/tháng. Tại lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể diễn ra trước Tết, ban giám đốc cũng đồng ý nâng các khoản phụ cấp sinh hoạt, tay nghề, thâm niên... tổng cộng 650.000 đồng/người/tháng để động viên tinh thần NLĐ.
Tại TP HCM, rất nhiều DN cũng đi trước một bước trong việc xây dựng chính sách đãi ngộ nhằm ổn định nguồn nhân lực, điển hình như Công ty TNHH Dược phẩm An Thiên (quận 11), Công ty CP Thương mại Cơ khí Tân Thanh, Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức (quận Thủ Đức). "Sản phẩm, đặc biệt là tên tuổi của DN, có được trên thương trường là công đóng góp rất lớn của NLĐ. Máy móc, công nghệ hiện đại đến mấy cũng không thể thay thế được họ và trách nhiệm của DN là phải chăm lo tương xứng với công sức, trí tuệ mà NLĐ bỏ ra" - ông Lê Quang Ngà, Giám đốc Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức, khẳng định.
Xây dựng hình ảnh doanh nghiệp
Đầu tư cho NLĐ là khoản đầu tư sinh lời bởi được quan tâm, chăm sóc chu đáo, họ sẽ cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của DN. Theo ông Lê Đình Quảng, trong xu thế hội nhập sâu rộng của đất nước, chăm lo cho NLĐ không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách hành xử văn hóa của DN. "Uy tín với đối tác không chỉ gắn liền với chất lượng sản phẩm mà còn phụ thuộc vào chính sách dành cho con người. Do vậy, DN càng phải coi trọng chăm lo chính sách đãi ngộ, tạo động lực làm việc cho NLĐ" - ông Quảng nói.
Bình luận (0)