Làm việc cho một công ty xây dựng tại TP HCM hơn 15 năm, khi bất hòa với lãnh đạo, anh N.T.T bị công ty cho thôi việc mà không báo trước, không bồi thường hay trợ cấp gì. Cầm quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trong tay, anh T. cứ thế nghỉ việc mà không biết mình đang bị thiệt thòi. Gần một năm sau, không thấy công ty đóng BHXH cho thời gian làm việc trước đó, anh mới làm đơn khiếu nại.
Bên nào cũng sai
Là một kỹ sư xây dựng nhưng khi cầm quyết định cho thôi việc chỉ ghi một câu "Căn cứ vào Bộ Luật Lao động và điều lệ công ty", anh T. không biết đó là một quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật. Đến khi đi khiếu nại đòi BHXH, được tư vấn, anh T. mới biết trong trường hợp của mình, ngoài BHXH là đương nhiên, anh còn phải được công ty bồi thường và trợ cấp mất việc.
Việc không hiểu luật đã làm cho doanh nghiệp phải đối mặt nhiều tranh chấp
Ở đây, doanh nghiệp (DN) không biết nên làm sai nhưng người lao động (NLĐ) cũng không biết nên chẳng khiếu nại gì. Theo ông Nguyễn Hữu Trí - cán bộ phụ trách chính sách pháp luật LĐLĐ huyện Bình Chánh, TP HCM, người từng tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp lao động - chuyện DN và NLĐ hồn nhiên phạm luật ông gặp thường xuyên. Nếu như NLĐ trình độ hạn chế, không hiểu luật thì còn dễ hiểu; còn các DN lớn, có đội ngũ tư vấn pháp lý đầy đủ, chủ DN học cao hiểu rộng mà nhiều lúc sai rất cơ bản dẫn đến tự chuốc lấy cái khó cho mình.
"Thậm chí, có lần NLĐ khiếu nại bị cho thôi việc trái luật, tôi qua làm việc với trưởng bộ phận nhân sự của công ty. Tôi phân tích các hậu quả, thiệt hơn liên quan đến quyết định này nhưng anh ta vẫn khẳng định mình đúng. Sau đó, NLĐ ủy quyền cho LĐLĐ huyện khởi kiện công ty và thắng kiện. Trớ trêu, anh trưởng phòng nhân sự cũng bị chủ DN đuổi việc y hệt như trường hợp của nhân viên trước đó. Lúc này, anh ta lại chạy qua nhờ Công đoàn hỗ trợ" - ông Trí cho biết.
Làm lớt phớt, tự hại mình
Việc không tìm hiểu kỹ luật khiến DN tự làm khó mình đã đành mà ở một khía cạnh khác, DN cũng không tận dụng được các yếu tố có lợi từ luật. Điển hình là việc xây dựng các thỏa ước lao động tập thể. Nhiều nơi làm để đối phó, dẫn tới những chuyện hài hước, tréo ngoe.
Ông Phạm Nam Thắng - cán bộ LĐLĐ quận Thủ Đức, TP HCM - kể: "Có DN đưa cho tôi xem bản thỏa ước có điều khoản ghi là tiền triệt sản 500.000 đồng mỗi tháng, nhìn mà hết hồn. Điều này có nghĩa là sau triệt sản thì tháng nào NLĐ cũng được hưởng 500.000 đồng! Có DN xây dựng điều khoản tăng lương, mình xem mà ái ngại cho họ vì tốc độ tăng lương như thế sẽ gây khó cho DN. Lại có DN cho thôi việc lao động nữ đang mang thai mà không hề biết mình làm sai. Rõ ràng, DN rất cần thông tin và cần được tư vấn, hướng dẫn".
Theo ông Thắng, nhiều DN vẫn nghĩ rằng thỏa ước lao động chỉ dùng bảo vệ NLĐ chứ chẳng lợi ích gì cho DN. Trong khi đó, các khoản chi tiêu về phúc lợi cho NLĐ trong thỏa ước là những chi phí hợp lý để DN đưa vào sổ sách, quyết toán thuế.
"Có DN ghi trong thỏa ước tiền du lịch 50.000 đồng. Tôi hỏi vậy thì đi đâu? Chi tiền thế nào? Cán bộ nhân sự bảo chỉ ghi hình thức cho có thôi chứ tiền du lịch thì sếp cho riêng một khoản khác nhiều hơn, thực chất hơn. Trong khi đó, nếu đưa vào thỏa ước thì rõ ràng là có lợi hơn cho DN trong các vấn đề liên quan đến thuế. Vậy là không hiểu nên DN tự bỏ qua những lợi ích của mình" - ông Thắng nhận định.
Bình luận (0)