Lê Minh Quân (minhquanle_88@gmail.com) hỏi: "Vừa qua, công ty tôi đã tổ chức họp xử lý kỷ luật lao động (KLLĐ) đối với một người lao động (NLĐ) có hành vi to tiếng, cãi nhau với khách hàng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín đơn vị. NLĐ có tham gia cuộc họp nhưng đến nửa chừng thì bỏ về. Sau đó, cuộc họp xử lý KLLĐ vẫn tiếp tục diễn ra với sự tham gia của giám đốc công ty, chủ tịch Công đoàn cơ sở cùng trưởng bộ phận nơi NLĐ làm việc. Xin hỏi kết quả cuộc họp xử lý KLLĐ có được xem là hợp lệ không?".
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, trả lời: Căn cứ Nghị định 148/2018/NĐ-CP thì khi người sử dụng lao động (NSDLĐ) phát hiện hành vi vi phạm KLLĐ, có đủ căn cứ chứng minh được lỗi của NLĐ và trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì NSDLĐ thông báo nội dung, thời gian, địa điểm cuộc họp xử lý KLLĐ đến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; NLĐ; cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của NLĐ dưới 18 tuổi. Khi nhận được thông báo của NSDLĐ, trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, thành phần tham dự nêu trên phải xác nhận tham dự cuộc họp. Trường hợp không tham dự phải thông báo cho NSDLĐ và nêu rõ lý do. Trường hợp một trong các thành phần quy định không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc nêu lý do không chính đáng hay đã xác nhận tham dự nhưng không đến họp thì NSDLĐ vẫn tiến hành xử lý KLLĐ. Cuộc họp xử lý KLLĐ phải được lập thành biên bản, được thông qua và có chữ ký của các thành viên tham dự. Trường hợp một trong các thành viên đã tham dự cuộc họp mà không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do. Căn cứ quy định trên, nếu công ty thực hiện đúng trình tự xử lý KLLĐ và NLĐ tự ý rời khỏi trước khi cuộc họp kết thúc thì cuộc họp ấy vẫn được xem là hợp lệ. Lưu ý là cần ghi rõ lý do trong biên bản KLLĐ về việc không có chữ ký NLĐ.
Bình luận (0)