Theo BHXH, đến hết tháng 11-2021, cả nước có hơn 791.300 người hưởng BHXH một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm nay và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của thực trạng này, theo lãnh đạo Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), là do dịch Covid-19 đã gây khó khăn cho cuộc sống của rất nhiều người lao động (NLĐ), khiến họ bị mất việc làm, giảm hoặc không có thu nhập... nên họ cần có một khoản tiền để trang trải cuộc sống của bản thân, gia đình.
"Gặt lúa non"
Lý giải thêm tình trạng này, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng số NLĐ hưởng BHXH một lần tăng trong năm nay phản ánh đúng thực tế tỉ lệ việc làm trong năm 2020. Năm trước đó, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản, cắt giảm lao động. Sau 12 tháng nghỉ việc và chưa tìm được việc làm mới, NLĐ đủ điều kiện để hưởng BHXH một lần. "Trong năm 2021, đa số NLĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương nên chưa chốt sổ BHXH. Khi sản xuất khôi phục, họ đi làm lại và tiếp tục đóng BHXH. Do đó, sang năm 2022 có thể tỉ lệ NLĐ rút hưởng BHXH một lần vẫn cao" - ông Liệu nói.
Lao động tại tỉnh Bình Dương làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần Ảnh: CHÂU LOAN
Không khó nhìn ra bức tranh NLĐ "gặt lúa non" qua ghi nhận tình hình ở TP HCM và tỉnh Bình Dương. Tại TP HCM cho thấy, từ đầu năm đến nay, đã có 95.055 NLĐ đăng ký hưởng BHXH một lần, với số tiền chi trả hơn 6.000 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là do NLĐ ngừng việc bị mất thu nhập, cần tiền trang trải cuộc sống. Một bộ phận NLĐ chuyển sang làm lao động tự do, không tiếp tục tham gia BHXH; số khác có suy nghĩ chọn hưởng BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt sau đó sẽ tham gia tiếp khi có điều kiện. Tham gia BHXH được hơn 12,5 năm, mới đây, chị Nguyễn Thị Trang (38 tuổi, huyện Hóc Môn) cũng quyết định rút BHXH một lần. Chị Trang cho biết đầu tháng 10-2021 chị mất việc do công ty gặp khó khăn vì dịch và hiện chưa tìm được việc làm mới nên mọi sinh hoạt trong gia đình phụ thuộc cả vào tiền công bốc xếp của chồng (khoảng 8 triệu đồng/tháng). Mỗi tháng ngoài khoản tiền trọ, điện nước khoảng 2 triệu đồng, vợ chồng chị phải gửi hơn 4 triệu đồng về cho ba mẹ ở quê để chăm sóc 2 con. "Hồi tháng 8-2021, tôi bị nhiễm Covid-19 khá nặng, may mắn qua khỏi nhưng sức khỏe giảm sút rõ rệt nên chưa thể đi làm trở lại. Không hy vọng có thể làm đến khi nghỉ hưu nên tôi quyết định rút BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống " - chị Trang bộc bạch.
Theo số liệu từ BHXH tỉnh Bình Dương, sau khi địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, số người làm thủ tục hưởng BHXH một lần tăng đột biến, cụ thể, tháng 10 có 6.421 hồ sơ (tăng 41% so với cùng kỳ); tháng 11 là 6.988 hồ sơ (tăng 72% so với cùng kỳ). Đa phần NLĐ nhận "một cục" để về quê hoặc giải quyết khó khăn hiện tại. Không đủ kiên nhẫn để hưởng lương hưu, mới đây, anh Nguyễn Chí Linh (quê An Giang; ngụ TP Thuận An, Bình Dương) đã làm thủ tục để nhận BHXH một lần. "Dịch bệnh kéo dài khiến công việc của tôi không ổn định, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Do vậy, tôi quyết định rút BHXH một lần rồi về quê sống cùng ba mẹ. Tôi tham gia BHXH được hơn 5 năm, nên khoản trợ cấp nhận được cũng không bao nhiêu, song ít nhiều cũng phụ giúp ba mẹ sửa sang lại căn nhà ở quê" - anh Linh cho biết.
Không làm nổi đến khi nghỉ hưu
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sau 5 năm thực hiện Luật BHXH 2014, tổng số người hưởng BHXH một lần là khoảng 3,7 triệu người; về cơ bản, số người hưởng BHXH một lần năm sau cao hơn năm trước (mức tăng bình quân 6,5%/năm). Nói về tình trạng gia tăng việc rút BHXH một lần, nhiều chuyên gia về quan hệ lao động cho biết đây không phải vấn đề mới nhưng năm nay tình hình dịch Covid-19 khiến NLĐ khó khăn nên vấn đề "nóng" hơn so với mọi năm.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng số NLĐ hưởng BHXH một lần năm nay tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo ông Hiểu, quy định hưởng BHXH một lần hiện còn đơn giản, dễ dàng nhưng để được hưởng lương hưu lại phải đóng thời gian dài (tối thiểu 20 năm). Ngoài ra, một số lĩnh vực DN có xu hướng giảm sử dụng lao động lớn tuổi (sau 35 - 40 tuổi), nhóm này rất khó tiếp tục làm ở những DN khác để đóng tiếp BHXH bắt buộc nên họ cũng có xu hướng hưởng BHXH một lần. Đề cập của ông Hiểu khá trùng khớp với tình hình đang diễn ra tại các DN thâm dụng lao động, nhất là may mặc, giày da. Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hansae Việt Nam (KCN Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết từ khi DN hoạt động trở lại vào tháng 10-2021, số công nhân (CN) xin nghỉ việc để hưởng BHXH 1 lần tăng nhanh và dự kiến sẽ tiếp tục tăng sau Tết. Đa số CN xin nghỉ có thời gian làm việc tại công ty từ 15-19 năm. Nguyên nhân là do CN nghe thông tin Luật BHXH sẽ có thay đổi, theo đó số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu sẽ rút xuống 15 năm thay vì 20 năm như hiện nay nên "tranh thủ" nghỉ để nhận BHXH một lần. Thêm vào đó, do tác động của dịch Covid-19, đời sống CN quá khó khăn, họ muốn nghỉ lãnh BHXH 1 lần để trang trải cuộc sống trước mắt sau đó làm lại và tham gia BHXH lần nữa. Bà Nguyễn Thị Xuyên, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty K.G.M (quận Tân Phú, TP HCM), cho biết độ tuổi của CN may là từ 18-38 tuổi và trong số gần 400 CN thì số người trên 40 tuổi còn làm việc chiếm tỉ lệ rất nhỏ, còn trên 50 tuổi chỉ có vài người. "CN may mặc trên 40 tuổi thì mắt sẽ kém đi, sức khỏe giảm sút kéo theo năng suất không theo kịp yêu cầu DN. Do vậy, họ sẽ khó tìm được việc làm mới để tiếp tục tham gia BHXH cho đến khi nghỉ hưu. Khi đó nếu bảo lưu BHXH chờ đến khi đủ 60 tuổi thì thời gian quá dài, do vậy nhận trợ cấp BHXH một lần là giải pháp tối ưu" - bà Xuyên nói.
Kỳ tới: Thấp thỏm tuổi già
Bình luận (0)