Nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường để đưa lao động ra nước ngoài làm việc, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã hợp tác với Liên minh Hợp tác nông nghiệp quốc gia Hy Lạp (Etheas) đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc tại nước này. Trong lần thí điểm này, các doanh nghiệp (DN) được Dolab chấp thuận sẽ tuyển 300 lao động cung ứng cho Hy Lạp.
Lao động Việt được đánh giá cao
Ông Christos Giannakakis, Phó Chủ tịch Etheas, thông tin Etheas có hơn 300 thành viên, trong đó 80% hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện Hy Lạp thiếu hụt 60.000 lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến; 50.000 lao động xây dựng và 50.000 người trong lĩnh vực du lịch.
Thu hoạch nông sản là công việc chủ yếu khi sang Hy Lạp làm việc
Đánh giá cao trình độ, kỹ năng nghề và ý thức tổ chức, kỷ luật của lao động Việt Nam, ông Christos Giannakakis muốn có nhiều NLĐ Việt Nam đến Hy Lạp làm việc trong thời gian tới và mong nhận được sự hỗ trợ, hợp tác từ Bộ LĐ-TB-XH và Chính phủ Việt Nam trong quá trình đưa lao động sang làm việc tại Hy Lạp. "Qua đó, hai bên sẽ loại trừ được những rủi ro liên quan đến môi giới lao động bất hợp pháp. Phía Hy Lạp bảo đảm khi lao động Việt Nam sang làm việc tại Hy Lạp sẽ được tạo điều kiện về cơ sở, vật chất tốt nhất để yên tâm làm việc" - ông Christos Giannakakis khẳng định.
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Dolab, đến nay cơ quan này đã cấp phép cho 6 DN đủ điều kiện chuẩn bị nguồn để đưa lao động sang Hy Lạp làm việc trong thời gian sớm nhất. Đó là Công ty CP Hợp tác Nhân lực quốc tế Vinaco (tỉnh Thanh Hóa), Công ty CP Nhân lực Thương mại quốc tế SNG, Công ty CP Nhân lực Quốc tế Đông Dương, Công ty CP Xuất nhập khẩu và Cung ứng nhân lực CIP.CO, Công ty CP Đầu tư và Phát triển thương mại BBC Group, Công ty CP Phát triển quốc tế Việt Thắng (cùng TP Hà Nội).
NLĐ sang Hy Lạp làm việc chủ yếu trong ngành nông nghiệp trồng trọt, thu hoạch và chế biến nông sản. Thời hạn hợp đồng lao động là 2 năm, làm việc 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần. Mức lương khởi điểm 803 euro/tháng (tương đương 21 triệu đồng), chưa tính tăng ca và các khoản phụ cấp khác nếu có. Người sử dụng lao động sẽ chi trả vé máy bay khứ hồi, sau khi NLĐ hoàn thành hợp đồng. "Ngoài ra, khi sang Hy Lạp làm việc, NLĐ sẽ được chủ sử dụng lao động cung cấp chỗ ở miễn phí, suất ăn và phương tiện di chuyển. NLĐ cũng sẽ được chủ đóng đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định của Hy Lạp" - ông Liêm nói.
Về điều kiện tuyển dụng, các DN được chấp thuận chuẩn bị nguồn cho biết tuyển nữ cao 1,47 m, nặng 45 kg trở lên; nam cao 1,5 m, nặng 50 kg trở lên; tuổi từ 20 - 48; sức khỏe, thị lực tốt. Không nhận lao động trong các trường hợp bị trục xuất khỏi châu Âu.
Lương bổng, phúc lợi tốt
Theo Dolab, các DN chuẩn bị nguồn sẽ không tổ chức đào tạo kỹ năng nghề cho NLĐ mà ưu tiên tuyển chọn lao động nông thôn đã làm việc trong ngành nông nghiệp, chịu khó, có ý thức kỷ luật cao, biết cơ bản tiếng Anh. Nếu NLĐ chưa có trình độ tiếng Anh thì DN sẽ đào tạo nhưng không thu học phí, miễn phí chỗ ở cho NLĐ trong thời gian tham gia khóa học.
"Khác với các nước ở khu vực Bắc Âu, Hy Lạp thời tiết khá thuận lợi, mùa đông không quá lạnh, lao động có thể làm việc quanh năm. Nhu cầu tuyển dụng của Hy Lạp là những công việc đơn giản, rất phù hợp với lao động ở khu vực nông thôn. Mức lương khá, điều kiện tuyển dụng không quá khắt khe, mở ra cơ hội mới cho NLĐ" - ông Liêm đánh giá.
Ông Nguyễn Luyến, Tổng Giám đốc Công ty CP Hợp tác Nhân lực quốc tế Vinaco, cho biết Hy Lạp là thị trường triển vọng trong bối cảnh một số thị trường truyền thống gặp khó khăn. "Với sự tích cực đàm phán của lãnh đạo Dolab, chúng tôi kỳ vọng sau khi được cấp giấy phép, mỗi tháng có thể đưa từ 200 - 300 lao động sang Hy Lạp làm việc. Theo khảo sát của chúng tôi, mức lương cộng thu nhập từ làm thêm của NLĐ mỗi tháng khoảng từ 1.200 - 1.300 euro, khoảng 31 - 34 triệu đồng" - ông Luyến nói.
Không chỉ riêng ngành nông nghiệp, một số ngành khác như xây dựng, may mặc, khách sạn, nhà hàng và giúp việc nhà ở Hy Lạp cũng sớm được triển khai. Theo ông Luyến, ngoài việc được hưởng mức lương hấp dẫn cùng với chế độ phúc lợi tốt, khi làm việc tại Hy Lạp NLĐ còn được nhận nhiều lợi ích khác. Chi phí sinh hoạt tại nước này cũng thấp hơn so với nhiều quốc gia ở châu Âu. Chất lượng cuộc sống, chăm sóc y tế cũng rất tốt.
Hy Lạp là thị trường mới, do đó Bộ LĐ-TB-XH đã chỉ đạo Dolab tăng cường công tác quản lý nhà nước về đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc tại quốc gia này, trong khi hai nước chưa ký kết thỏa thuận nhằm bảo đảm công khai, minh bạch. Các DN được chấp thuận chuẩn bị nguồn, đăng ký hợp đồng cung ứng lao động sẽ được thông tin trên website của Dolab (http://www.dolab.gov.vn) để NLĐ chủ động tham gia. Bộ sẽ xử lý nghiêm các DN chuẩn bị nguồn, hoặc đưa NLĐ đi làm việc tại Hy Lạp khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Bình luận (0)