Trong khi mảng tuyển dụng lao động có trình độ, tay nghề ở phân khúc trung, cao cấp gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt bởi các doanh nghiệp (DN) mạnh từ nước ngoài và nhiều DN có kinh nghiệm trong nước thì mảng lao động phổ thông (LĐPT) lại chưa mấy ai để ý. Nhìn thấy thị phần này có tiềm năng, hai cô gái trẻ đã tạo nên một ứng dụng để kết nối nhanh chóng các chủ DN vừa và nhỏ, các quán cà phê, nhà hàng, cửa hiệu với LĐPT.
Tiếp cận thông minh
Chị Phạm Thị Bảo Nguyên, đồng sáng lập kiêm CEO EasyJob, cho rằng có 3 trở ngại chủ yếu mà những DN vừa và nhỏ tại Việt Nam đang gặp phải, một là trong diện tích kinh doanh nhỏ từ 30 đến 60 m2, các DN này buộc phải có từ 4 đến 7 nhân viên thường trực để làm việc; nếu ít khách, số nhân viên này sẽ trở nên thừa thãi. Thứ hai, LĐPT thường ít gắn bó lâu dài với chủ DN như những lao động có trình độ và khi họ xin nghỉ việc chỉ báo trước một hoặc 2 ngày nên DN trở tay không kịp. Thứ ba, trong trường hợp kinh doanh thuận lợi, DN lại rất khó tuyển lao động thời vụ trong một thời gian ngắn. "LĐPT gặp nhiều khó khăn trong quy trình tuyển dụng của DN từ khâu nộp hồ sơ, phỏng vấn, chờ gọi đi làm... họ muốn rút ngắn quy trình này. LĐPT lại thường tìm việc làm qua kênh bạn bè, người thân, các dịch vụ môi giới việc làm, các trang rao vặt... Đây là những nguồn tin kém tin cậy và dễ bị các đối tượng xấu lừa đảo. Do đó, EasyJob sẽ giúp cả hai bên, DN và NLĐ gặp nhau trong tích tắc như kiểu "uber trong việc làm phổ thông" vậy" - Bảo Nguyên chia sẻ thêm.
Phạm Thị Bảo Nguyên (bên phải) và Trần Yến Nhi - hai đồng sáng lập EasyJob
Ra đời từ đầu năm 2016, đến nay EasyJob là ứng dụng tiên phong trong thị phần LĐPT tại Việt Nam. EasyJob có hướng đi hoàn toàn mới, có thể gọi là thay đổi cuộc chơi trong mảng tuyển dụng việc làm phổ thông. EasyJob sử dụng công nghệ để kết nối kịp thời giữa nhà tuyển dụng và lao động ngay trong khu vực địa lý gần nhất để người lao động (NLĐ) và DN gặp nhau nhanh nhất có thể. Việc kiểm duyệt thông tin tuyển dụng được EasyJob kiểm soát kỹ lưỡng. EasyJob đến gặp trực tiếp nhà tuyển dụng để kiểm chứng mức độ thực cũng như nhu cầu của DN. Về phía NLĐ thì việc kiểm soát gặp khó khăn hơn dù công nghệ của EasyJob được đánh giá rất cao về tính thông minh. Để bảo đảm chất lượng, EasyJob tạo phần đánh giá giúp nhà tuyển dụng có thể chấm điểm ứng viên để bảo đảm độ uy tín cá nhân của từng người; từ đó, nâng cao chất lượng ứng viên cũng như giúp DN tuyển được người như ý. "Sau gần 2 năm phát triển, hiện tại EasyJob có gần 15.000 khách hàng sử dụng thường xuyên, hơn 3 triệu hồ sơ LĐPT có sẵn trên hệ thống và có khoảng 9.000 giao dịch việc làm mỗi ngày" - Trần Yến Nhi, đồng sáng lập EasyJob, cho biết.
Nhẫn nại, nhạy bén
EasyJob được gầy dựng bởi hai cô gái trẻ. Yến Nhi phụ trách mảng phát triển marketing, định hướng kinh doanh còn Bảo Nguyên đảm trách mảng kỹ thuật, công nghệ của ứng dụng. Dù chuyên môn và bản lĩnh khởi nghiệp của hai đồng sáng lập không có gì để bàn nhưng theo Yến Nhi, đôi khi cô cũng cảm thấy bế tắc, khó khăn trăm bề "bởi nói gì thì nói, chúng tôi cũng chân yếu tay mềm".
Nhi cho biết khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng, cả nhóm gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó khó nhất là mảng công nghệ bởi đây là yếu tố tiên quyết cho cả dự án. Tuy nhiên, nhờ Bảo Nguyên giỏi về công nghệ, lại có kinh nghiệm làm việc cho một tập đoàn lớn từ nước ngoài về nên mọi việc cũng đạt đúng tiến độ. Trước khi EasyJob ra đời, cả nhóm dành 3 tháng ròng rã đi khảo sát thị trường. Theo phân công, mỗi người một tuyến đường, dùng xe máy đi vào từng nhà hàng, quán ăn trực tiếp hỏi người quản lý rằng nếu có một ứng dụng giúp họ kết nối ứng viên nhanh chóng trong vòng 20 phút, giải quyết nhanh vấn đề thiếu người làm, cắt giảm chi phí thì liệu họ có sử dụng không? Tổng kết lại kết quả, cả nhóm tự tin hơn khi nhận được sự phản hồi rất tích cực, khoảng trên 80% quản lý các quán ăn, nhà hàng cho biết họ sẽ sử dụng nếu có một ứng dụng như vậy.
"Khi EasyJob bắt đầu chạy được một thời gian, một khó khăn mang tính khủng hoảng nhân sự bắt đầu. Nhân viên bắt đầu rời đi hàng loạt vì cuộc sống start-up vốn dĩ lương không cao, ngược lại sự nhiệt huyết lại cần rất cao. Chưa hết, số tiền chuẩn bị ban đầu cũng nhanh chóng cạn kiệt, hết tiền vận hành, mọi thứ đến nhanh hơn dự kiến của tụi em", Bảo Nguyên nhớ lại. Một mặt nhóm duy trì những nhân sự còn bám trụ, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí ở các điểm vui chơi để thu hút sinh viên - đối tượng khách hàng để tiết kiệm chi phí quảng cáo. Một mặt đi tìm kiếm các nhà đầu tư để tìm kiếm giải pháp cho nguồn vốn đầu tư lớn hơn. Trời không phụ lòng hai cô gái trẻ, họ đã thuyết phục được một nhà đầu tư tin tưởng vào dự án và từ đó, EasyJob đã dễ thở hơn như đúng tên gọi của nó.
Thành công không tự nhiên mà đến
Là một cô gái trẻ sớm khởi nghiệp, Yến Nhi cho rằng dù con đường phía trước còn lắm gian truân nhưng một khi đã bước trên con đường khởi nghiệp thì chỉ có thể bước chậm chứ không thể quay lại. "Niềm tin, sự cố gắng vượt bậc và không ngừng học hỏi là những gì bạn cần phải có nếu quyết định khởi nghiệp. Với EasyJob, chúng tôi tin vào những gì tốt đẹp sẽ lan tỏa, sự tiện lợi sẽ được lựa chọn" - Nhi chia sẻ.
Bình luận (0)