Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, trả lời: Theo điều 187 và 188 Bộ Luật Lao động năm 2019, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm: hòa giải viên lao động, hội đồng trọng tài lao động, tòa án nhân dân. Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu hội đồng trọng tài lao động hoặc tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải. Trường hợp hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn hội đồng trọng tài lao động hoặc tòa án giải quyết theo quy định. Như vậy, để đòi lương, trước tiên chị Lê phải gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp lao động cá nhân đến phòng lao động - thương binh và xã hội quận, huyện nơi trung tâm đặt trụ sở để được hỗ trợ.
Bình luận (0)