Hội nghị triển khai Nghị định 85/ CP (quy định một số điều của Bộ Luật Lao động về chính sách lao động nữ - LĐN) vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức tại TP HCM. Tại hội nghị, không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của nghị định này.
Rối vì ngày “đèn đỏ”
Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Trưởng Phòng Quản lý lao động các KCX-KCN TP HCM, cho biết đã nhận được rất nhiều thắc mắc từ các doanh nghiệp (DN) và người lao động về quy định LĐN được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh, tối thiểu là 3 ngày trong 1 tháng. “Không chỉ DN mà LĐN đều cho rằng họ rất lúng túng, không biết triển khai thực hiện thế nào? Chẳng hạn như LĐN làm sao chứng minh được điều này để DN cho nghỉ? Hay vấn đề LĐN có thai thì không có ngày “đèn đỏ”, như vậy nếu LĐN có thai nhưng 3-4 tháng sau mới thông báo thì DN có được “thu hồi” thời gian đã nghỉ không? Mặt khác, với LĐN lớn tuổi, làm thế nào để xác định họ đã mãn kinh hay chưa để giải quyết chế độ? DN có được cho LĐN nghỉ dồn một lần hay buộc phải giải quyết cho nghỉ rải rác?
Cũng băn khoăn không kém về quy định nghỉ ngày “đèn đỏ”, bà Mai Hồng Ngọc, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng quy định này sẽ gây khó cho những DN sử dụng nhiều LĐN và hoạt động theo dây chuyền sản xuất, bởi lẽ, chỉ cần một vị trí nghỉ thì cả dây chuyền sẽ phải dừng lại. Như vậy, sản xuất sẽ đình trệ và DN sẽ bị thiệt hại về kinh tế. Liệu DN có thể trả bằng tiền thay cho thời gian nghỉ? Bên cạnh đó, bà Ngọc phân vân liệu quy định DN phải xây dựng buồng tắm, buồng vệ sinh tại nơi làm việc có thực sự cần thiết? Nên chăng chỉ cần thực hiện trong một số nhóm DN thật sự có nhu cầu để tránh lãng phí.
Về quy định lắp đặt phòng vắt sữa mẹ, một số DN cho biết trong thực tế đã không mang lại hiệu quả. Nhiều DN do diện tích rộng nên bố trí phòng vắt sữa ở xa, nữ công nhân (CN) ngại đến; có nơi đầu tư phòng vắt sữa nhưng chưa từng có LĐN nào sử dụng. “Đây là việc làm rất nhân văn, tạo điều kiện cho trẻ được tiếp tục uống sữa mẹ nhưng phải nghĩ đến tính khả thi của nó. DN không ngại đầu tư nhưng quan trọng nhất là hiệu quả đạt được như thế nào để tránh lãng phí” - đại diện một DN bày tỏ.
Đau đầu với nhà giữ trẻ
Một trong những quy định được các đại biểu đặc biệt quan tâm là “DN phải xây dựng phương án, kế hoạch để hỗ trợ, giúp đỡ xây nhà trẻ, mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí giữ trẻ cho LĐN”. Theo bà Phan Thanh Minh, Vụ Pháp chế - Bộ LĐ-TB-XH, điều khoản này chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc; trách nhiệm xây nhà trẻ, mẫu giáo là của nhà nước. Song, theo bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nhà nước cũng khó thực hiện được nhiệm vụ này bởi lẽ hiện nay, tại các tỉnh, thành có KCN không còn quỹ đất để xây dựng nhà trẻ do quy hoạch trước đó không có các hạng mục này. Còn nếu xây dựng ở những nơi còn quỹ đất thì ở quá xa nơi CN đang ở nên họ không thể mang con đến gửi.
Điển hình như các KCX-KCN TP HCM đã xây dựng được 22 nhà giữ trẻ tại các khu lưu trú, giao cho phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện quản lý. Thế nhưng, các cơ quan này lại áp dụng giờ giữ trẻ theo khung giờ của các trường công lập nên không thuận tiện cho CN gửi con. Hiện các trường này đã trở thành nơi giữ trẻ cho con em người dân địa phương chứ không phải cho CN.
Đồng tình với các nhận định trên, một cán bộ Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An cho rằng việc xây nhà trẻ, nhà lưu trú gặp nhiều khó khăn một phần là vướng cơ chế. Ông cho biết mới đây, tỉnh cũng định hỗ trợ một DN có trên 28.000 lao động (90% là LĐN) xây dựng dựng ký túc xá và nhà trẻ trong khuôn viên công ty nhưng lại vướng quy định người lao động không được lưu trú trong KCN.
Các đại biểu cho rằng để chính sách LĐN khả thi, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN và có hướng dẫn chi tiết hơn trong việc thực hiện thì luật mới có thể đi vào cuộc sống.
Bình luận (0)