Để giải bài toán khan hiếm nguồn lao động chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp (DN) tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đặt hàng một số trường nghề tuyển sinh, đào tạo lực lượng lao động có tay nghề. Tuy nhiên, qua một thời gian DN nhận thấy sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu công việc nên đã ngừng hợp tác. Để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, nhiều DN chọn giải pháp là tự đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.
Chọn cách thức phù hợp
Tại Công ty TNHH Hariki Precision Việt Nam (chuyên chế tạo các sản phẩm linh kiện ôtô; KCN Việt Nam - Singapore II, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), nguồn lao động chủ yếu là tự đào tạo. Công ty ưu tiên chọn thợ giỏi để bồi dưỡng, huấn luyện. Ngoài phân công kỹ sư lâu năm trực tiếp kèm cặp, công ty gửi công nhân (CN) ưu tú ra nước ngoài đào tạo. Lực lượng này sau khi về nước sẽ đảm trách công việc ở các khâu đòi hỏi kỹ năng nghề cao và huấn luyện CN mới.
"Việc nâng chất lực lượng lao động tại chỗ cần một quá trình dài, ít nhất từ 1-2 năm. Sau khi được đào tạo, DN cũng phải tính toán mức lương và chế độ đãi ngợ hợp lý cho họ" - đại diện Công ty TNHH Hariki Precision Việt Nam cho biết.
Công nhân giỏi của Công ty TNHH Meinan Việt Nam (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức, TP HCM) thường xuyên được gửi sang Nhật đào tạo chuyên sâu để nâng cao tay nghề ẢNH: HỒNG ĐÀO
Hằng năm, ban giám đốc Công ty TNHH Meinan Việt Nam (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức, TP HCM) chọn ra 10 CN giỏi nhất để gửi sang Nhật Bản đào tạo chuyên sâu ở các ngành như quản lý chất lượng, kỹ thuật, sản xuất, kho lạnh... Trước khi ra nước ngoài, CN được học tiếng Nhật miễn phí và tham dự các khóa học nâng cao bên ngoài. Theo ông Nobuyuki Takakuwa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Meinan Việt Nam, hầu hết CN được cử sang Nhật đào tạo đều tiến bộ rõ rệt về ý thức, năng suất lao động. Họ còn được ban giám đốc tin tưởng, bố trí vào các vị trí quản lý quan trọng. Điều đó chứng tỏ việc đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có lợi cho cả DN lẫn người lao động.
Là DN thường xuyên đầu tư thiết bị công nghệ mới, đặc biệt là trong lĩnh vực wash (giặt mài thời trang), Công ty CP Quốc tế Phong Phú (TP Thủ Đức, TP HCM) hiện sở hữu lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao. Hiện DN có 17 nhà máy, trong đó có 7 nhà máy wash. Do Việt Nam chưa có một trường nghề nào đào tạo về chuyên ngành này nên để không thiếu hụt nhân lực, những năm qua, DN phải tự đào tạo.
Tận dụng những lần đối tác cử chuyên gia sang lắp đặt máy móc, công ty chủ động bố trí CN giỏi tiếp cận để học hỏi và chính những lao động này sẽ hướng dẫn lại cho CN tại các nhà máy. Không chỉ đào tạo nội bộ, công ty còn cử CN giỏi ra nước ngoài nâng cao trình độ để họ tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm, từ đó phát huy hết năng lực chuyên môn.
Tuyển dụng thực tập sinh về nước
Mỗi năm Việt Nam có khoảng từ 10.000 đến 15.000 thực tập sinh (TTS) làm việc tại Nhật Bản về nước do hết hạn hợp đồng. Ước tính có 50% số này quay trở lại Nhật Bản, còn lại là tìm kiếm việc làm trong nước. Theo các chuyên gia về lao động việc làm, đây là nguồn nhân lực chất lượng cao mà các DN có thể tận dụng trong bối cảnh khan hiếm CN có tay nghề như hiện nay.
Là DN phái cử lao động sang Nhật Bản, nhiều năm qua, Esuhai Group (quận Tân Bình, TP HCM) đã làm tốt công tác kết nối, giới thiệu việc làm cho TTS về nước. Đây được xem là lực lượng lao động chất lượng cao không chỉ được các DN Nhật Bản tại Việt Nam chào đón mà còn được các DN khác ưa chuộng. Ông Nguyễn Xuân Lanh, thành viên Ban Giám đốc Esuhai Group, cho rằng TTS về nước nhanh chóng có được việc làm với mức thu nhập khá tốt bởi kinh nghiệm và kỹ năng của đội ngũ lao động này.
"TTS sau 3 năm hoặc 5 năm làm việc tại Nhật Bản đã tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và đặc biệt là phong cách làm việc chuyên nghiệp của Nhật. Họ nhanh chóng thích nghi và thành thạo công việc nếu làm đúng vị trí mà họ đã từng làm ở Nhật. Hơn nữa, với các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ thì TTS chính là lực lượng nòng cốt để tạo ra những sản phẩm tinh xảo, chất lượng đủ sức cạnh tranh" - ông Lanh nhấn mạnh.
Esuhai Group thường xuyên mở các lớp quản lý sản xuất, quản lý chất lượng cho TTS về nước để họ có thêm kiến thức về quản trị, sau đó kết nối TTS đến các vị trí công việc quản lý tương đương trong các DN Nhật Bản tại Việt Nam. Thông qua các lớp học này, TTS sẽ tận dụng được kiến thức, kinh nghiệm của mình, cùng khả năng sử dụng tiếng Nhật, trở thành cầu nối giữa quản lý cấp cao người Nhật với người lao động Việt Nam.
Thành lập gần 100 trường nghề chất lượng cao
Đề cập giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào nhưng cùng lúc phải giải quyết 2 bài toán là giải quyết việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Do đó giải pháp căn cơ là nâng cao chất lượng dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nhân lực làm cơ sở để điều tiết và đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, thu hút tập trung nguồn lực, thúc đẩy đào tạo và đào tạo lại, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để có được lực lượng lao động chất lượng cao, bắt kịp trình độ các nước ASEAN-4 và G20, chỉ đạo của Chính phủ là đào tạo trình độ cao đẳng chất lượng cao làm nền tảng trong đào tạo nghề. Chính phủ cũng cho phép hình thành gần 100 trường chất lượng cao và thiết lập một số trung tâm vùng quốc gia có chức năng dẫn dắt, đào tạo nghề trong tương lai, tập trung đào tạo ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm còn thiếu và đòi hỏi chất lượng cao.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-4
Bình luận (0)