Sáng 2-10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể lần thứ 15, cho ý kiến về dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi).
Giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của thế giới
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu (ĐB) QH Bùi Văn Cường Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH - cho rằng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của thế giới. Vì vậy, trước mắt không nên tăng thời giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm mà giữ nguyên như quy định hiện hành là tối đa được làm thêm 300 giờ/năm. "Trong quy định tối đa được làm thêm 300 giờ/năm đó cũng phải tính toán trả lương theo lũy tiến, để người sử dụng lao động phải rất cân nhắc khi huy động người lao động (NLĐ) làm thêm giờ. Phải lấy căn cứ tăng lương lũy tiến đó để thỏa thuận làm thêm giờ, bởi nếu không có phương án tăng lương lũy tiến theo giờ, sẽ rất khó. Phương án này đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị rồi, mong các ĐB lưu tâm" - ông Cường nói.
Trình bày tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cho đến thời điểm hiện nay, thay mặt Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho biết có 7 vấn đề lớn trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, theo ông Bùi Sỹ Lợi, quy định hiện hành, tổng số giờ làm thêm bình thường là 200 giờ/năm, trong trường hợp tối đa là không quá 300 giờ/năm. "Cho đến giờ phút này, về mặt cơ bản lấy ý kiến của các cơ quan, kể cả giới chủ, giới thợ, cơ bản đồng tình không nên kéo dài thời giờ làm thêm tối đa bởi đây không phải là biện pháp tích cực để tăng năng suất lao động. Mong muốn của chúng ta là các doanh nghiệp (DN) cải tiến công nghệ, tổ chức sắp xếp, quản trị lại DN để tăng năng suất lao động, chứ không phải tăng cường độ lao động" - ông Bùi Sỹ Lợi cho hay.
Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (điều 107), Ủy ban Thường vụ QH cho rằng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề NLĐ ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho NLĐ. Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế có thể sẽ dẫn đến tình trạng DN lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả NLĐ sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.
Việc tăng thời giờ làm thêm tối đa sẽ khiến sức khỏe người lao động bị suy kiệt. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhiều cán bộ nhàn nhã quá
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho biết hiện nay, giờ làm việc của 2 khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực DN này bất bình đẳng. Khu vực hành chính làm việc 40 giờ/tuần nhưng NLĐ ở khu vực DN làm việc 48 giờ/tuần. "Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị khu vực DN giảm từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, tức là NLĐ sẽ được nghỉ chiều thứ bảy và chủ nhật để tạo điều kiện cho họ chăm sóc gia đình, tái tạo sức khỏe… Đây là xu hướng tiến bộ trên thế giới, không có lý gì ta lại không thực hiện tiến bộ ấy. Cần tính toán giảm khoảng cách bất bình đẳng, để thời gian làm việc giữa khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực DN dần dần giảm khoảng cách, không để khu vực DN làm việc quần quật như vậy, trong khi đó khu vực hành chính sự nghiệp nhàn nhã hơn" - ông Bùi Văn Cường nói.
Cũng ủng hộ việc không tăng giờ làm thêm, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho biết theo báo cáo trước đây, có 30% cán bộ công chức "cắp ô", không cần thiết trong bộ máy. "Đối tượng này cần tăng giờ làm việc chứ không thể để như bây giờ. Tôi thấy nhiều người cứ hưởng lương mà không làm việc. Nhiều cán bộ nhàn nhã quá, thiếu trách nhiệm, trong khi đó chúng ta lại đi kéo dài thời gian làm việc của những người mồ hôi dưới đổ lên, mồ hôi trên đổ xuống" - ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Về vấn đề này, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH cho biết Chính phủ chưa trình trong hồ sơ Dự án bộ luật. Tuy nhiên, một số ĐBQH đề nghị nghiên cứu để quy định NLĐ làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo tổng kết thi hành việc thực hiện quy định khuyến khích áp dụng chế độ làm việc không quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần của bộ luật hiện hành. "Tài liệu gửi bổ sung cho thấy quan điểm của cơ quan soạn thảo cũng như giới chủ, người sử dụng lao động chưa đồng thuận về việc quy định theo hướng giảm thời giờ làm việc bình thường. Mặt khác, Ủy ban Thường vụ QH chưa đồng tình với việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Chính phủ đề xuất. Do vậy, trước mắt, xin phép cho giữ quy định về thời giờ làm việc bình thường như bộ luật hiện hành" - ông Bùi Sỹ Lợi cho biết quan điểm nêu trong Dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình.
Năm 2020 sẽ trình Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)
Theo ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - hiện nay Tổng LĐLĐ Việt Nam đang hoàn thiện Đề án "Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn (CĐ) Việt Nam trong tình hình mới" để trình Bộ Chính trị phê duyệt và đề xuất Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết chuyên đề về CĐ Việt Nam. Bên cạnh đó, Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để có thể trình QH thông qua vào Kỳ họp thứ 8 tới đây, trong đó có nhiều quy định liên quan mật thiết với các quy định của Luật CĐ. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật sau khi ban hành, đồng thời có thời gian rà soát, đánh giá kỹ các chính sách trong đề nghị xây dựng luật bảo đảm chất lượng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, Ủy ban Thường vụ QH xem xét, cho phép lùi thời điểm trình Dự án Luật CĐ (sửa đổi) đến năm 2020 sau khi Bộ Luật Lao động (sửa đổi) được thông qua. Đồng thời bổ sung Dự án Luật CĐ (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Bình luận (0)