Sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20-9, một phiên bản mới của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội để xin ý kiến. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, xung quanh những nội dung trong phiên bản mới dự thảo này.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, theo đề xuất của Chính phủ, dự thảo vẫn đưa ra 2 phương án về giờ làm thêm tối đa để Quốc hội xem xét quyết định. Tuổi nghỉ hưu cũng là nội dung có sự chỉnh lý. Ông có thể cho biết cụ thể thêm về những quy định vốn thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận?
Ông Bùi Sỹ Lợi
Tiến sĩ BÙI SỸ LỢI: Cơ sở để Chính phủ đề xuất việc nới khung giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm là xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp, là mong muốn của chủ sử dụng lao động; đồng thời cũng là nguyện vọng của một bộ phận người lao động muốn làm thêm để tăng thu nhập do tiền lương thực tế chưa đủ sống.
Tuy nhiên, khi quyết định tăng giờ làm thêm thì không chỉ cần đánh giá tác động đến năng suất, hiệu quả làm việc, mà phải cân nhắc cả đến vấn đề sức khỏe và an toàn của người lao động. Bên cạnh đó, xu hướng chung hiện nay là hướng đến các giải pháp công nghệ, cải tiến tổ chức lao động, quản trị doanh nghiệp để tăng năng suất lao động, đồng thời tạo cơ hội thu hút lao động, giảm thất nghiệp.
Trong bối cảnh tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng cao, trình độ quản lý của doanh nghiệp ngày càng tốt lên, Việt Nam lại muốn tăng giờ làm thêm được coi là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ của thế giới. Quan điểm của ông như thế nào?
Đúng là khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động được nâng lên thì xu hướng chung là thời gian làm việc sẽ giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và đời sống của người lao động. Việc tăng giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng để khai thác triệt để sức lao động, dẫn đến hậu quả là người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Song cũng phải thấy rằng nhu cầu làm thêm giờ là có thật, cả từ phía giới chủ lẫn người lao động.
Vì thế, quan điểm của cá nhân tôi là nên thực hiện như quy định hiện hành; có thể cho phép mở rộng thêm 100 giờ làm thêm so với quy định cũ trong một số ngành nghề, trường hợp cá biệt do Chính phủ cho phép, nhưng phải dựa trên cơ sở thỏa thuận của chủ sử dụng với người lao động, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước và công đoàn. Đồng thời với việc quy định giờ làm thêm tối đa phải có các giải pháp đảm bảo tiền lương làm thêm bù đắp được hao phí sức lao động. Không để kéo dài mãi tình trạng “nhân công giá rẻ”, “lương không đủ sống” ở các ngành nghề thâm dụng lao động.
Một nội dung cũng được quan tâm không kém và dường như chưa ngã ngũ là tuổi nghỉ hưu. Theo dự thảo vừa được chỉnh lý, có 2 phương án được trình Quốc hội. Là đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, ông tán thành phương án nào?
Dự thảo mới nhất trình 2 phương án. Phương án 1 quy định cụ thể ngay trong luật về lộ trình và tuổi nghỉ hưu. Phương án 2 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ. Kể từ ngày 1-1-2021, căn cứ điều kiện cụ thể, Chính phủ quy định lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Hai phương án như đã nêu thực chất chỉ là một phương án điều chỉnh có lộ trình để nam nghỉ hưu ở tuổi 62, nữ nghỉ hưu ở tuổi 60; chỉ là lộ trình khác nhau, nhanh hay chậm mà thôi. Tôi cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải đạt được cùng lúc 2 mục đích: vừa giảm "sốc" trên thị trường lao động, vừa không làm mất cơ hội làm việc cho lao động trẻ, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo.
Cũng phải nói rõ là không phải ai cũng làm việc đến độ tuổi 62 hoặc 60; sẽ có những quy định rất cụ thể. Nhưng về cơ bản là những ngành thiên về lao động chân tay (như da giày, dệt may, thủy sản, điện tử) hay những ngành nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được quyền về hưu sớm hơn so với lao động bình thường.
Theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng như bộ luật hiện hành, tuổi về hưu được chia làm 3 nhóm. Nhóm đầu về đúng độ tuổi quy định là những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường. Nhóm thứ hai được quyền về hưu sớm hơn 5 năm trong trường hợp họ bị suy giảm khả năng lao động, hoặc làm công việc trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… Nhóm thứ ba là nhóm được quyền nghỉ hưu muộn hơn, nhưng không quá 5 năm với những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công việc quản lý và một số trường hợp đặc biệt, có sức khỏe, có nhu cầu và được cơ quan sử dụng lao động mong muốn ở lại để làm việc, đóng góp vì kinh nghiệm. Tôi cho như thế là phù hợp.
Từ quan điểm bình đẳng giới, cũng có đại biểu Quốc hội nói họ chưa "thông" về sự khác biệt trong tuổi về hưu giữa nam và nữ?
Trong các quy định trước đây, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ cách biệt nhau 5 tuổi và chúng ta coi đó là sự ưu tiên cho phụ nữ khi vừa gánh vác công việc xã hội vừa phải đảm trách thiên chức làm mẹ, công việc gia đình. Đến nay, điều kiện lao động đã được cải thiện, môi trường làm việc tốt hơn, tuổi thọ của phụ nữ cao hơn nam giới, cho nên điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về giới là phù hợp.
Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến người lao động ở tất cả các khu vực của nền kinh tế và đa số ý kiến thống nhất là bảo đảm bình đẳng giới phải thực chất, theo đúng tinh thần công ước quốc tế về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Khoảng cách tuổi nghỉ hưu như dự thảo đã được cân nhắc tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động của những nhóm lao động khác nhau. Hiện nay có những nhóm đối tượng không có khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.
Bình luận (0)