Mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa là vấn đề đang còn nhiều ý kiến khác nhau tại dự án Bộ luật Lao động sửa đổi. Chính phủ đưa quan điểm mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa đến 400 giờ/năm. Còn tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, cơ quan thường trực của Quốc hội với vai trò lập pháp lại không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa đến 400 giờ/năm.
Cũng chính vì lẽ đó, tại phiên họp thứ 37 của UBTV Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đề xuất 2 phương án xin ý kiến UBTV Quốc hội. Phương án 1: Giữ như quy định của luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ. Còn, phương án 2: Quy định như dự thảo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, tức là nâng số giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm. Tuy nhiên nếu theo phương án này, Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của ĐBQH, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.
Dù trình ra 2 phương án nhưng bày tỏ quan điểm của mình với vai trò trách nhiệm là cơ quan thẩm tra dự án luật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ quan điểm "luôn nhất quán quan điểm không tán thành tăng thời giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) có nhu cầu". Và không chỉ UBTV Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội mà ngay cả Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm không nên tăng thêm thời gian làm thêm. Nói như ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cơ quan này còn đề nghị giảm giờ lao động xuống còn 44 giờ/tuần thay vì 48 giờ/tuần như hiện nay. Bởi theo ông Hiểu, vấn đề nằm ở việc "phát triển bền vững chứ không phải tăng trưởng "nóng" trong một vài năm, trong khi hiện nay Việt Nam đang thuộc nhóm quốc gia có số giờ làm việc cao so với thế giới".
Thực ra, vấn đề tăng thời giờ làm thêm tối đa không phải đến nay mới được đề xuất, mà trong mỗi lần sửa đổi Bộ luật Lao động, từ trước đến này, đề xuất trên đều bị "bác". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Lịch sử lao động cho thấy, cả thế giới đều đang đấu tranh để tăng lương giảm giờ làm, còn người sử dụng lao động luôn muốn tăng năng suất còn trả lương hợp lý. Giai cấp công nhân là nòng cốt của Đảng, do đó phải để họ phát triển để tạo nền tảng, nhất là thực tế người lao động hiện nay luôn ở thế yếu.
Có lần, tại phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội để thẩm tra dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban này đã nhắc đến một sự việc để các "nhà làm luật" cần cân nhắc thận trọng trong quyết định. "Khi đi thực tế tại Bình Dương, tôi có gặp một nữ công nhân xanh xao, yếu ớt đề nghị được làm thêm giờ để có thêm thu nhập, nếu không thì không đủ sống, không đủ tiền nuôi con. Chúng tôi cũng khuyên các cháu phải suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ nếu làm quá nhiều, ốm đau thì lúc đấy lấy tiền đâu chữa bệnh?"- ông Lợi kể lại. Thực tế, hiện nay nguyên nhân dẫn đến gia tăng nhu cầu làm thêm giờ cũng là do thu nhập và đồng lương của NLĐ; đặc biệt là công nhân ở nước ta đang quá thấp, mới chỉ đủ 70% nhu cầu cuộc sống cho nên NLĐ phải làm thêm để đảm bảo cho cuộc sống.
Thực tế ấy thật đúng với những NLĐ chăm chỉ. Nhưng vẫn còn một bộ phận NLĐ, đặc biệt trong giới công chức, viên chức thì lại có năng suất lao động gần bằng 0 mà vẫn nhận lương đều đặn. Điều đó tạo nên sự bất bình đẳng.
Bàn sâu hơn về chuyện lương - giờ làm thêm và năng suất lao động của công nhân, ông Vũ Hồng Thanh- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, vừa rồi Tiểu ban kinh tế - xã hội Đại hội XIII bàn về chiến lược phát triển, Thủ tướng rất quan tâm đến giải pháp đột phá về đổi mới công nghệ tăng năng suất lao động chứ không quy định theo hướng "thâm dụng lao động". Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21 đánh dấu nhiều đổi thay chóng mặt về công nghệ trên tất cả các lĩnh vực, thế thì hà cớ gì mà việc tăng năng suất lao động lại chỉ dựa vào sức người mà không dựa vào đổi mới công nghệ. Nếu "không cho phép tăng giờ làm thêm" sẽ buộc doanh nghiệp phải suy nghĩ, đổi mới công nghệ hiện đại chứ không chỉ ỉ lại vào sức lao động của con người.
Cho nên sâu xa của việc "không cho phép tăng giờ làm thêm" không chỉ vì NLĐ mà còn là giải pháp để "thúc" doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra gay gắt. Và trong cuộc cách mạng công nghệ ấy khi mà máy móc đã đóng vai trò lớn trong các dây chuyền sản xuất thì NLĐ cũng buộc phải nâng cao khả năng tiếp thu và tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật mới để có thể điều khiển máy móc thuần thục, từ đó tăng năng suất lao động và buộc chủ sử dụng lao động tăng lương cho chính mình.
Bình luận (0)