Ông Thọ cho biết, trong phiên họp, mỗi bên đưa ra các ý kiến khác nhau. Tổng liên đoàn đề xuất mức tăng LTT vùng năm 2019 là 8%. "Khảo sát trên 30.000 phiếu tại 150 DN ở 4 vùng cho thấy, tình hình kinh tế có nhiều khởi sắc, tăng trưởng cao, số lượng doangh nghiệp (DN) mới được thành lập nhiều hơn số lượng DN "chết đi". Đây là tín hiệu cho thấy tình hình kinh tế khả quan" – ông Thọ thông tin.
Theo ông Thọ: "Trong năm 2017 nhìn tổng thể, mức lương của công nhân lao động (CNLĐ) đã được cải thiện hơn. Số lượng CNLĐ có tích lũy tăng lên từ 15 – 20%. Số lượng CNLĐ trả lời lương vừa đủ tiêu cũng tăng lên. Số lượng người lương không đủ chi tiêu do nhu cầu tăng lên ít thay đổi. Đây là con số chúng tôi muốn có thể cải thiện được".
Vì những lý do này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng LTT vùng không thể dưới 8%. Đây là mức được tính toán cộng phần trăm trượt giá, tăng năng suất lao động, chênh lệch giữa mức lương tối thiểu và nhu cầu sống tối thiểu. Đây là con số dự kiến.
Ông Thọ thể hiện sự bức xúc khi phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện cho chủ sử dụng lao động không tăng lương. "Rất vô lý ở chỗ, giả sử năm nay không tăng LTT vùng, không bù đắp phần chênh lệch về lương tối thiểu so với nhu cầu sống tối thiểu thì phần năng suất lao động tăng lên (4%) và phần trượt giá tăng lên (3,5%) vẫn phải thì cũng đến 7%. "Kiểu gì thì kiểu, bên VCCI cũng phải chấp nhận ý kiến của chúng tôi. Trong cuộc họp, đại diện VCCI đề nghị không tăng LTT vùng năm nay để DN nuôi dưỡng sức để năm tới sẽ nâng lương. Nhưng Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đã nói, đến năm 2020 kết thúc lộ trình LTT đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Nếu năm tới mà đề xuất tăng lương thì mức điều chỉnh sẽ rất cao chứ không phải như thế này nữa" – ông Thọ nhấn mạnh.
Bình luận (0)