Luật BHXH có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 quy định Công đoàn (CĐ) có quyền kiện ra tòa đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ). Song song đó, Bộ Luật Tố tụng Dân sự có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 quy định trình tự thủ tục tham gia tố tụng trong một vụ án lao động, vai trò của tổ chức CĐ trong quá trình tham gia vụ kiện lao động tại TAND... Để bảo vệ hiệu quả quyền lợi NLĐ trong tình hình mới, LĐLĐ TP HCM đã tổ chức tập huấn “kỹ năng tham gia tố tụng các vụ án lao động” cho hơn 100 cán bộ CĐ là chủ tịch, phó chủ tịch LĐLĐ quận, huyện; chủ tịch, phó chủ tịch CĐ ngành, sở, khối, tổng công ty và cấp trên tương đương vào ngày 8-6.
Công đoàn đại diện NLĐ
Theo điều 188 Bộ Luật Lao động, điều 10 Luật CĐ, Nghị định số 43/NĐ-CP, CĐ có quyền đại diện tập thể NLĐ khởi kiện và tham gia tố tụng tại TAND trong các vụ tranh chấp lao động tập thể về quyền. Ngoài ra, CĐ cũng có thể đại diện theo ủy quyền cho NLĐ khởi kiện và tham gia tố tụng tại tòa án trong các vụ tranh chấp lao động cá nhân; thực hiện quyền yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong quá trình xét tính hợp pháp của cuộc đình công tại tòa. Những loại tranh chấp thường gặp là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), sa thải, yêu cầu bồi thường thiệt hại, tranh chấp tiền lương, tranh chấp về BHXH.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, thẩm phán TAND TP HCM, để giải quyết tốt các tranh chấp về HĐLĐ cần xác định đúng quan hệ tranh chấp, xác định thời hiệu giải quyết vụ án. “Theo quy định tại khoản 2, điều 202 Bộ Luật Lao động thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu TAND giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 1 năm kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Ngoài ra, cũng cần nắm rõ những tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải qua hòa giải tại cơ sở. Đó là tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ; về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ; giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; về BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH, về BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT; về bồi thường thiệt hại giữa NLĐ với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” - thẩm phán Nguyễn Văn Bình lưu ý.
Nắm vững trình tự khởi kiện
Với kinh nghiệm nhiều năm kiện đòi BHXH, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đại diện BHXH TP HCM, chia sẻ: “Việc khởi kiện đòi tiền BHXH trải qua 5 bước: lập hồ sơ khởi kiện, nộp hồ sơ khởi kiện, hòa giải, xét xử (phiên sơ thẩm), phiên tòa phúc thẩm (nếu có kháng cáo, kháng nghị về bản án sơ thẩm). Việc nộp đơn khởi kiện tại TAND quận, huyện nơi đơn vị bị kiện đặt trụ sở (theo giấy phép kinh doanh). Nếu khởi kiện đơn vị chủ quản do chi nhánh/văn phòng đại diện của đơn vị nợ thì nộp đơn khởi kiện tại TAND nơi đơn vị chủ quản đặt trụ sở hoặc nơi chi nhánh/văn phòng đại diện đặt trụ sở. Đơn khởi kiện được nộp trực tiếp tại TAND hoặc gửi đến TAND qua bưu điện. Ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại TAND hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, TAND phải xem xét và có một trong các quyết định sau: thụ lý vụ án, chuyển đơn kiện cho TAND có thẩm quyền, trả lại đơn khởi kiện nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, TAND phải thông báo bằng văn bản cho các bên liên quan đến việc giải quyết vụ án và cho viện kiểm sát cùng cấp về việc TAND đã thụ lý vụ án.
Thời hạn chuẩn bị xét xử là 2 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì chánh án TAND có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 1 tháng.
Chú ý các tình tiết liên quan
Cũng theo đại diện cơ quan BHXH TP HCM, để thực hiện tốt các quyền theo quy định, nguyên đơn cần xác định các yêu cầu cụ thể, nắm vững các tình tiết liên quan đến vụ án để trình bày một cách chính xác và có lợi nhất khi được yêu cầu trình bày tại phiên tòa. Phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, tài liệu có liên quan để xác định số nợ theo đơn, các văn bản có liên quan đến cách tính mức lãi suất hằng năm của BHXH Việt Nam để kịp thời xuất trình cho TAND khi được yêu cầu. Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ những chứng cứ do bị đơn xuất trình. Đặc biệt, phải chuẩn bị tờ khai mỗi khi tòa triệu tập để cung cấp thêm thông tin liên quan đến vụ án như công nợ mới, đơn vị thay đổi địa chỉ mới…
Bình luận (0)