TAND Tối cao vừa ban hành Văn bản số 105 hướng dẫn thi hành Luật BHXH gửi TAND các cấp. Theo đó, kể từ ngày Luật BHXH có hiệu lực thi hành (1-1-2016), tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ). Với những vụ án đã thụ lý trước ngày 1-1 mà chưa giải quyết thì tòa án ra quyết định đình chỉ, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quy định của Bộ Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
TP HCM đình chỉ 1.194 đơn khởi kiện
Lãnh đạo BHXH TP HCM cho biết với hướng dẫn nêu trên, TAND các quận, huyện ở TP sẽ đình chỉ 1.194 đơn khởi kiện của cơ quan BHXH với số tiền nợ chưa thu hồi được là 210 tỉ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, khi Luật BHXH chính thức có hiệu lực, việc khởi kiện được giao cho tổ chức Công đoàn (CĐ) thực hiện. Cơ quan BHXH chỉ có quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, quyền xử lý vi phạm hành chính của cơ quan BHXH chỉ được thực hiện kể từ ngày 1-6. Như vậy, từ nay đến ngày 31-5, để giải quyết 1.194 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN (đã bị tòa án đình chỉ vụ án), cơ quan BHXH chỉ có lựa chọn duy nhất là phối hợp với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP kiểm tra, xử lý.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, Bộ Luật Tố tụng dân sự (TTDS) có hiệu lực từ ngày 1-7 cũng quy định CĐ có quyền khởi kiện và tham gia tố tụng những vụ án lao động. “Đây là hành lang pháp lý để tổ chức CĐ thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động (NLĐ)” - luật sư Hậu nhìn nhận.
Công đoàn phải chủ động
Điều khiến giới luật sư, đặc biệt là đội ngũ cán bộ CĐ, băn khoăn chính là những quy định của Luật TTDS và văn bản của TAND Tối cao có nhiều điều, nhiều chương nằm rải rác nên cán bộ CĐ và NLĐ khó tiếp cận. Chưa hết, cán bộ CĐ tham gia tố tụng phải thực sự am hiểu về pháp luật lao động. Đó là những trở ngại chính khiến việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH của tổ chức CĐ gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, khi tổ chức CĐ đại diện NLĐ khởi kiện hoặc NLĐ khởi kiện đơn vị vi phạm Luật BHXH (không thực hiện chốt sổ BHXH, không trả sổ BHXH, không giải quyết các chế độ BHXH, BHYT theo quy định,...), giám đốc BHXH TP với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan sẽ cung cấp số liệu doanh nghiệp nợ cho tòa án nếu được yêu cầu. Lãnh đạo BHXH TP HCM cho rằng tổ chức CĐ, nhất là đội ngũ cán bộ CĐ chuyên trách, phải nắm vững quy trình, thủ tục khởi kiện chủ sử dụng lao động theo quy định pháp luật. Việc thiếu cọ xát thực tế cùng với những hạn chế về kỹ năng tham gia tố tụng chắc chắn sẽ là trở ngại không nhỏ cho đội ngũ cán bộ CĐ.
Do vậy, trong thời gian đầu, BHXH TP HCM sẽ hỗ trợ, hướng dẫn LĐLĐ TP các thủ tục cần thiết trong quá trình lập hồ sơ khởi kiện cũng như quy trình khởi kiện và thi hành án nhằm thu hồi nợ BHXH, BHYT để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ. “Ngoài việc phối hợp với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP thanh tra, kiểm tra đơn vị vi phạm Luật BHXH, BHXH TP cũng sẽ phối hợp với Công an TP truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người sử dụng lao động nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN theo điều 214, điều 215 Bộ Luật Hình sự” - bà Thu khẳng định.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết để thực hiện tốt Luật BHXH và kịp thời trang bị kiến thức cho cán bộ CĐ các cấp, năm 2015, LĐLĐ TP đã tổ chức tập huấn kỹ năng tư vấn pháp luật, nhất là kỹ năng tham gia tố tụng trong vụ án lao động, cho đội ngũ cán bộ CĐ chuyên trách.
“Từ nay đến hết năm 2016, LĐLĐ TP tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ năng cho cán bộ CĐ, nhất là cán bộ CĐ cơ sở, về trình tự, thủ tục tiến hành khởi kiện một vụ án lao động. Trọng tâm chính vẫn là tập huấn Bộ Luật TTDS năm 2015 về vai trò, trách nhiệm của tổ chức CĐ trong vụ án lao động. Hiện trung tâm đã xây dựng đề cương về trình tự, thủ tục để khởi kiện một vụ án lao động, trọng tâm là vi phạm BHXH; hỗ trợ tổ chức CĐ về các kỹ năng khi tham gia tố tụng vụ án lao động” - ông Triều cho biết.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Xây dựng dự thảo quy trình khởi kiện
Trên cơ sở Bộ Luật TTDS (sửa đổi) vừa được thông qua, để tạo thuận lợi cho các cấp CĐ khởi kiện, tham gia tố tụng những vụ án lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng dự thảo quy trình CĐ khởi kiện, tham gia TTDS giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Trước khi ban hành, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ lấy ý kiến đóng góp về quy trình này.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã cung cấp các mẫu hồ sơ khởi kiện, tham gia TTDS giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể, như: giấy ủy quyền tham gia tố tụng; đơn khởi kiện; đơn đề nghị về việc nhập, tách vụ án, áp dụng tiền lệ án; giấy giới thiệu; đơn khiếu nại… để các cấp CĐ áp dụng khi tham gia tố tụng trong các vụ án lao động.V.Tùng ghi
Bình luận (0)