Vợ tôi là người bàng quan thế sự. Cô ấy thường chẳng chú ý gì ngoài việc mỗi tháng tôi có đưa đủ tiền lương hay không?
Thế rồi một ngày cách đây hơn 2 tháng, khi Hội đồng Tiền lương quốc gia họp để bàn bạc mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, vợ tôi xem tivi, đọc báo rồi thở dài thườn thượt. Cô ấy bảo nghe các vị đại diện người sử dụng lao động than thở não nuột, tội nghiệp quá. Nếu đúng như lời các vị thì bức tranh chung của nền kinh tế "đen thùi lùi" (nguyên văn lời vợ tôi). Vậy thì hết mong lương tối thiểu tăng đến mức sống tối thiểu rồi. Cô ấy bảo tôi phải chủ động sống chung với đói nghèo như người ta đang hô hào chủ động sống chung với biến đổi khí hậu.
công nhân phải chủ động sống chung với đói nghèo như... sống chung với biến đổi khí hậu
Vợ tôi không biết chuyện than thở sản xuất kinh doanh khó khăn; số lượng doanh nghiệp thành lập tương đương số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản chỉ là "chiêu trò" để bảo vệ cho quan điểm không muốn tăng lương cho người lao động. Thế nhưng tôi không muốn làm đầu óc cô ấy vẩn đục nên không giải thích gì thêm.
Chưa có lần nào đại diện giới chủ đề xuất tăng lương cho người lao động đủ sống ở mức tối thiểu.
Cho đến mấy hôm trước, khi nghe tivi thông báo số liệu của Tổng Cục Thống kê rằng tăng trưởng kinh tế quý III/2017 đạt tới 7,46% thì vợ tôi hớn hở: "Hết khó khăn rồi, tốt quá! Phải chi trước khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp mà có cái số liệu này thì hay biết mấy há mình".
Tôi thương cái sự khờ khạo của vợ tôi hết sức. Và lần này tôi quyết định khai sáng cho cô ấy. Tôi lục lại tài liệu cũ từ mấy năm trước chỉ cho cô ấy xem: Chưa có lần nào đại diện giới chủ không than nghèo kể khổ. Họ cũng chưa bao giờ chủ động đề xuất mức tăng lương cho người lao động đủ sống ở mức tối thiểu.
...trong các chi phí phải cắt giảm thì tiền lương là thứ dễ cắt giảm nhất
Nghe tôi nói, vợ tôi ngạc nhiên: "Kỳ vậy? Đang làm ăn tốt sao lại kêu khó? Em thấy nhiều người đang giàu nhưng sợ người khác nhờ vả nên làm bộ than nghèo, than khó, vậy là sau đó trời cho nghèo khó luôn".
Tôi lắc đầu: "Không có chuyện đó đâu. Người ta đã tính toán hết rồi. Để doanh nghiệp có thể tồn tại, trong các chi phí phải cắt giảm thì tiền lương là thứ dễ cắt giảm nhất. Người lao động bao giờ cũng là tầng lớp thấp cổ bé họng mà, cứ kêu gào mãi mà có ai chịu nghe đâu? Vậy nên em đừng có mơ kinh tế tăng trưởng tốt thì người lao động sẽ được tăng lương nghen".
Sao kinh tế sáng rồi mà tiền lương vẫn tối thui?
Vợ tôi nghe vậy thì mặt mày tiu nghỉu nhưng vẫn cố vớt vát: "Nhưng còn phải chờ chính phủ quyết định mà? Chắc chính phủ sẽ cân nhắc…". Tôi nạt: "Em đừng có mơ".
Vậy là hôm qua tới nay cô ấy cứ lầm bầm như bị ma ám: "Sao kinh tế sáng rồi mà tiền lương vẫn tối thui?".
Bình luận (0)