Phần lớn công nhân (CN) ngoại tỉnh không qua trường lớp, chưa được đào tạo bài bản về tay nghề, việc làm không ổn định. Xuất phát điểm quá thấp ấy khiến họ có thể trở thành người nghèo nơi đô thị, thiếu khả năng ứng phó tình huống rủi ro khi mưu sinh nơi đất khách quê người.
Chẳng hạn, trong lúc khó khăn, khi cần tiền trang trải chi phí sinh hoạt, do không có tài sản đáng giá để thế chấp vay ngân hàng nên buộc lòng họ phải vay "nóng" bên ngoài. Với lời mời chào hấp dẫn như thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp, có thể kéo dài kỳ hạn..., các đối tượng cho vay nặng lãi dễ dàng đưa CN vào "tròng". Nếu vay nặng lãi và không trả đúng hạn, CN sẽ mất khả năng trả nợ, bị siết tài sản, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. CN biết rõ vay nặng lãi là nguy hiểm nhưng họ vẫn chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác để xoay xở lúc cấp thiết. Thực trạng này cho thấy nhu cầu tiếp cận các dịch vụ tài chính của CN ngoại tỉnh là có thật.
Theo tôi, tổ chức Công đoàn - với vai trò bảo vệ người lao động - cần làm việc với các cơ quan chức năng bàn biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng cho vay nặng lãi; tuyên truyền cho CN hiểu rõ bản chất tín dụng đen để không bị lợi dụng.
CN cần lắm một hệ thống an sinh xã hội, những chính sách cốt lõi để họ không bị gạt ra bên lề sự phát triển. Công đoàn luôn đứng về phía CN, bảo vệ các thành phần lao động yếu thế dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập. Đó có thể là những nhu cầu với mức sống tối thiểu cho những CN nghèo.
Ngoài việc hoàn thiện chính sách tiền lương, nhà nước cần có chương trình an sinh xã hội dài hơi để kịp thời hỗ trợ CN ngoại tỉnh trong trường hợp cấp thiết. Nhà nước cũng có thể tác động để các ngân hàng cho CN nghèo vay tín chấp bằng chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu để xoay xở trong lúc cấp thiết...
Bình luận (0)