Mới đây, ông Lưu Văn Tranh đã đến Báo Người Lao Động phản ánh việc Công ty CP Giày da và May mặc xuất khẩu Legamex (quận 10, TP HCM) sa thải ông trái luật. Ông Tranh đã gắn bó với Công ty Legamex gần 24 năm ở vị trí thủ kho.
Tuân thủ quy trình hay chống lệnh?
Theo đó, tháng 5-2018, ông Tranh bị công ty xử lý kỷ luật lần đầu vì nghỉ không phép, không chấp hành sự điều động của công ty khi xắp xếp lại một số bộ phận. Ông cũng bị công ty quy kết vi phạm nội quy lao động khi đi lại những nơi không có phận sự mà không được cho phép. Tuy nhiên, theo ông Tranh, việc công ty cho rằng ông nghỉ việc không lý do chính đáng vào ngày 19-4-2018 là không hợp lý vì ngày đó ông có đến công ty chấm công và tham dự đại hội cổ đông của công ty theo thư mời của chủ tịch HĐQT. "Bên cạnh đó, quyết định điều chuyển người và kho về cho bộ phận khác quản lý mà người lao động không được biết trước thì có hợp lý không? Chưa kể công ty áp lỗi đi lại nơi không có phận sự là tại khu vực 19, trong khi khu vực này là do tôi phụ trách, vậy đúng hay sai?" - ông Tranh đặt vấn đề. Đến tháng 6-2018, ông Tranh tiếp tục bị công ty xử lý kỷ luật vì không chấp hành sự chỉ đạo khi công ty tiến hành bán máy móc trong kho. Với lần xử lý kỷ luật này, công ty ra quyết định sa thải ông.
Ông Lưu Văn Tranh (trái) trình bày tại Báo Người Lao Động
Trao đổi với đại diện công ty, ông Bùi Văn Khánh, Trưởng Phòng Tổ chức Hành chính, khẳng định công ty đã tiến hành đúng và đầy đủ trình tự các sự việc có liên quan đến ông Tranh. Trong đó, việc ông Tranh không chấp hành lệnh khi công ty bán máy móc là hình thức tái phạm trong thời hạn bị kỷ luật bởi việc bán máy móc trong kho có đi kèm hợp đồng mua bán, hóa đơn, phiếu xuất kho đầy đủ.
"Công ty nói như vậy là không thỏa đáng. Tôi không ngăn cản mà chỉ yêu cầu phải thực hiện đúng quy tắc, trình tự trong công việc vì các phiếu xuất hàng ghi thông tin sơ sài, không đầy đủ số hiệu của từng loại máy móc. Tôi yêu cầu phải bổ sung một cách chính xác là hợp lý về nghiệp vụ, tránh thất thoát tài sản chung" - ông Tranh bày tỏ.
Phải tôn trọng nội quy lao động
Hiện nay, việc xử lý kỷ luật người lao động hoặc sa thải họ diễn ra rất tùy tiện ở nhiều doanh nghiệp. Như trường hợp của bà Nguyễn Hồng Phúc, làm việc tại Trung tâm MM Mega Market Long Xuyên (MM Long Xuyên), tỉnh An Giang trực thuộc Công ty MM Mega Market Việt Nam, cũng phản ánh việc công ty kỷ luật không thỏa đáng.
Vào tháng 10-2017, bà Phúc đảm nhận vị trí quản lý ngành hàng thì bất ngờ bị giám đốc Trung tâm MM Long Xuyên tạm đình chỉ công việc để làm rõ sai phạm. Theo đó, bà Phúc bị quy vào lỗi không thực hiện đúng quy trình và báo cáo, cung cấp thông tin sai sự thật về báo giá cho khách hàng. Tiếp đó, giám đốc trung tâm còn tố giác bà Phúc ra cơ quan công an về hành vi lợi dụng danh nghĩa công ty chào bán hàng hóa qua mạng hưởng chênh lệch để chiếm đoạt tiền, hàng của khách. Công ty đã áp dụng hình thức khiển trách bà Phúc bằng văn bản với lỗi sai quy trình nghiệp vụ gây thiệt hại dưới 2 triệu đồng và cách chức với lỗi "cung cấp lời khai sai sự thật khi có việc cần điều tra trong công ty hoặc báo cáo, cung cấp thông tin sai sự thật". Hình thức kỷ luật chung là cách chức bà Phúc xuống làm nhân viên.
Theo biên bản xử lý kỷ luật bà Phúc, đại diện Công đoàn công ty không đồng thuận cả hai hình thức xử lý trên vì công ty chưa chứng minh được thiệt hại do bà Phúc gây ra. Bên cạnh đó, hành vi "cung cấp lời khai sai sự thật…" thì công ty chưa chứng minh lỗi xác đáng và quy định này cũng không rõ ràng. Bên cạnh đó, tháng 3-2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang có văn bản trả lời về việc tạm đình chỉ giải quyết tố giác tội phạm của Giám đốc Trung tâm MM Long Xuyên với bà Nguyễn Hồng Phúc do Trung tâm MM Long Xuyên không cung cấp các tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Đến tháng 9-2018, cơ quan cảnh sát điều tra thông báo ra quyết định không khởi tố vụ án.
"Theo quy định của công ty, với mức xử lý kỷ luật chuyển sang công việc khác có lương thấp hơn hoặc cách chức đến sa thải thì phải có ý kiến tán thành của đại diện BCH Công đoàn cơ sở. Ở đây, đại diện Công đoàn đã không đồng thuận mà công ty vẫn lờ đi. Chưa kể, người của trung tâm lại đi tống đạt giấy triệu tập của cơ quan công an đến người thân của tôi, làm cả tôi và gia đình suy sụp, khủng hoảng tinh thần. Kết quả từ cơ quan công an hiện nay đã có, vậy bao nhiêu tổn thất tinh thần của tôi trong thời gian qua, ai sẽ chịu trách nhiệm?" - bà Phúc bức xúc.
“Dù luật không quy định việc cần phải có sự tán thành của tổ chức Công đoàn, tuy nhiên nếu công ty đã đưa vào nội quy lao động về việc một số mức kỷ luật phải có ý kiến tán thành của Công đoàn thì quy định này có giá trị vì không trái với pháp luật và không trái với thuần phong mỹ tục” - ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết.
Bình luận (0)