Bà Miranda Kwong, chuyên gia kinh tế lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn trước thềm Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.
Bà Miranda Kwong, chuyên gia kinh tế lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam
Kỷ nguyên số tạo ra những cơ hội và thách thức như thế nào đối với lao động trong APEC, thưa bà?
Những thay đổi nhanh chóng về khoa học công nghệ như robot tự động, trí thông minh nhân tạo, sự bao phủ rộng rãi của Internet… đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới thế giới việc làm, mang tới cả cơ hội và thách thức trong việc hình thành, thực hiện và quản lý công việc.
Kỷ nguyên công nghệ số tạo ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên tăng năng suất lao động và giúp con người dễ dàng tiếp cận với thông tin, học hỏi, chia sẻ kiến thức và trao đổi thông qua một nền tảng chung. Thêm vào đó, những hình thái mới của việc làm xuất hiện thông qua "nền kinh tế tự do gig - môi trường làm việc trong đó các công việc tạm thời là phổ biến", ví dụ, người lao động (NLĐ) có thể làm việc tự do thông qua những nền tảng trực tuyến của ứng dụng mạng…
Tuy nhiên, kỷ nguyên công nghệ số có thể tạo ra thách thức cho những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, theo đó, nhiều ngành nghề sẽ biến mất trong tương lai. Một nghiên cứu gần đây của ILO với chủ đề "ASEAN trong giai đoạn mới - Công nghệ đang thay đổi nghề nghiệp và doanh nghiệp như thế nào" cho thấy 3/5 tổng số việc làm trong ASEAN có thể bị thay thế bởi máy móc trong thập kỷ tới. Nhóm lao động dễ bị thay thế, nhất là phụ nữ (với tỷ lệ cao hơn 2,4 lần so với nam giới) và những người có bằng cấp thấp.
Theo bà, đâu là chìa khóa để thúc đẩy dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao trong APEC?
Trong bối cảnh tại những nền kinh tế năng động trong khối APEC, nơi mà ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông) đang lan tỏa nhanh chóng và thúc đẩy dịch chuyển nguồn nhân lực về địa lý hoặc qua mạng, cần tiếp tục nâng cao kỹ năng của lao động để đáp ứng những yêu cầu của thị trường.
Đào tạo lại và nâng cao kỹ năng lao động là những việc quan trọng mà các nền kinh tế cần làm để duy trì lợi thế cạnh tranh trong khu vực và hội nhập kinh tế. Khi công nghệ thay đổi nhanh chóng, hệ thống giáo dục, đào tạo và phát triển kỹ năng cần chú trọng tính linh động, tạo điều kiện để lao động nhanh chóng thích nghi được những thay đổi công nghệ giữa các nền kinh tế.
Thêm nữa, việc tăng cường các chính sách bảo trợ xã hội, đặc biệt là đối với phụ nữ và nhóm người dễ bị tổn thương cũng rất cần thiết, nhằm đảm bảo sự tiếp cận của họ đối với những nhu cầu tối thiểu như chăm sóc sức khỏe, an ninh thu nhập. Điều này còn góp phần quan trọng cho việc nâng cao năng suất lao động và tái cơ cấu.
Có một thực tế, giữa nguồn nhân lực của Việt Nam với các nền kinh tế trong khu vực hiện vẫn còn khoảng cách nhất định. Theo bà, làm thế nào để Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách đó?
Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN với chủ để "Phát triển kỹ năng, nguồn nhân lực cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững" đã đưa ra những xu hướng nhằm thu hẹp dần trình độ phát triển giữa các thành viên ASEAN trong những năm gần đây.
Thực trạng ở từng thành viên tùy thuộc vào cấu trúc nền kinh tế và mức độ phát triển, một số thành viên chủ yếu tập trung hướng tới giáo dục tiểu học và phát triển kỹ năng đọc viết, trong khi một số khác hướng tới hệ thống phát triển nghề và đào tạo kỹ thuật, hoặc tập trung nâng cao chuyên môn hóa những kỹ năng STEM (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).
Để thu hẹp khoảng cách này, Việt Nam có thể tăng cường thúc đẩy giáo dục, kỹ thuật và hệ thống đào tạo nghề, đồng thời quan tâm tới phát triển kỹ năng nhằm tăng trưởng kinh tế. Sự liên kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo và khối tư nhân sẽ đảm bảo cung lao động phù hợp với cầu lao động.
Ngoài ra, việc khuyến khích lực lượng lao động trẻ chủ động với việc học tập dài hạn cũng là yếu tố giúp mở rộng cơ hội để thích nghi với những thay đổi trong thế giới việc làm và giảm những ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế. Sự kết nối những kỹ năng cốt lõi như làm việc nhóm, giao tiếp, sáng tạo, phân tích, giải quyết vấn đề và những kỹ năng kỹ thuật (ví dụ như STEM) là cần thiết để thích nghi với những biến chuyển môi trường nhanh chóng.
Bên cạnh đó, một môi trường thuận lợi có thể quản lý và và điều tiết thị trường là chìa khóa để Việt Nam tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh ở mức độ tổng thể, đảm bảo những thành quả của tăng trưởng được phân phối công bằng hơn. Đối thoại xã hội tại nơi làm việc cũng là việc cần được đẩy mạnh để đảm bảo một môi trường làm việc tốt và tiếng nói của NLĐ được lắng nghe. Cuối cùng, doanh nghiệp cần theo kịp với những đổi mới và nâng cấp công nghệ trong bối cảnh mới.
Bà kỳ vọng như thế nào về tương lai của vấn đề lao động APEC sau Năm APEC 2017 cũng như những đánh giá về các đề xuất, sáng kiến của chủ nhà Việt Nam?
Hiện tương lai việc làm chưa được định hình rõ ràng. Một số nhân tố, bao gồm những bước đột phá khoa học kỹ thuật được xem là lực đẩy chính làm thay đổi hoàn toàn thế giới việc làm thông qua việc mở ra hàng loạt cơ hội cũng như thách thức cho những nền kinh tế thành viên APEC.
Tháng 5-2017, "Khuôn khổ APEC về phát triển Nguồn nhân lực trong kỷ nguyên công nghệ số" đã được thông qua tại Hà Nội. Nếu thực hiện tốt, nền tảng này có thể được sử dụng để tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế APEC thông qua chia sẻ kinh nghiệm, chẳng hạn về các sáng kiến chính sách đổi mới. Ba lĩnh vực ưu tiên được xác định trong Khuôn khổ, bao gồm tương lai của việc làm trong kỷ nguyên công nghệ số và những tác động chính sách thị trường lao động; kỹ năng, giáo dục và đào tạo; bảo trợ xã hội đối với người lao động.
Với một nền kinh tế năng động và dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam góp phần tạo nên một thị trường lao động rộng lớn trong khuôn khổ APEC. Chính phủ và doanh nghiệp Việt đang nỗ lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng, hấp dẫn và bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần vượt qua hàng loạt thách thức để đảm bảo lực lượng lao động có thể thích nghi với thực tại và đáp ứng kỳ vọng của người sử dụng lao động.
Bình luận (0)