Ông Nguyễn Minh (59 tuổi) có 32 năm tham gia BHXH, có 35 năm công tác. Ông đang băn khoăn có nên về hưu trước 1 năm để nhận được cách tính lương hưu kiểu cũ hay không? Theo luật BHXH, ông Minh nếu muốn về hưu trước tuổi phải xin giám định sức khỏe, nếu sức khỏe không đảm bảo mới được về hưu sớm. Nếu về hưu trước 1-1-2018, ông Minh sẽ bị trừ 2% tiền lương hưu, nhưng ngược lại sẽ được hưởng mỗi năm công tác thừa là 1 tháng lương cơ bản.
Không phải thích nghỉ hưu sớm là được
Theo luật, lao động thiếu tuổi hoặc thiếu năm công tác xin về hưu sớm chưa hẳn đã lợi. Bởi lao động về hưu trước tuổi có thể bị trừ từ 2% cho mỗi năm về hưu trước tuổi và thiếu năm công tác. Như vậy, lao động đủ tuổi mới về hưu sẽ không bị trừ tiền lương mà còn được hưởng tiền lương (phụ cấp nếu có) của doanh nghiệp trả. Khoản này rõ ràng cao hơn nhiều lần so với việc được nhận thêm trợ cấp mỗi năm 1 tháng lương nếu thừa năm công tác, và giảm nếu lao động về hưu trước năm 2018” – một cán bộ BHXH phân tích.
Về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, với lao động nữ, 15 năm đóng BHXH được hưởng 45% lương và mỗi năm đóng BHXH thêm được cộng 3%. Nhưng sau 1.1.2018, mỗi năm đóng thêm chỉ được cộng 2%. Với lao động nam, trước 1-1-2018 chỉ cần đóng BHXH 15 năm đã được hưởng 45% lương. Nhưng nghỉ hưu vào năm 2018 cần đóng BHXH 16 năm mới được 45% lương. Tương tự, nghỉ năm 2019 là 17 năm đóng, năm 2020 là 18 năm đóng, năm 2021 là 19 năm đóng và từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng BHXH. Người lao động muốn nghỉ hưu sớm, ngoài điều kiện quy định về độ tuổi, số năm đóng BHXH còn phải giám định sức khỏe. Việc ra Hội đồng giám định y khoa để kiểm tra có suy giảm sức lao động hay không đều có quy trình, quy định cụ thể. Không phải lao động cứ muốn là có thể về hưu trước tuổi.
Ông Sơn cũng cho biết, hiện nay cơ quan BHXH đang thống kê số người nghỉ hưu trước tuổi của thời điểm kết thúc quý I/2017 so với những năm trước. Tuy chưa có con số chính thức nhưng sơ bộ chưa có đột biến. Ông Sơn cũng đề nghị lao động cần cân nhắc kỹ, bởi không phải ai nghỉ hưu sớm cũng có lợi, do mỗi năm lao động nghỉ hưu sớm sẽ bị trừ 2% lương hưu.
Đóng cao sẽ hưởng cao
Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, năm 2006, Quốc hội ban hành Luật BHXH và bắt đầu thực hiện quan điểm đổi mới cải cách hệ thống chính sách BHXH. Trước đây, tiền lương xác định tính công thức lương hưu cho người về hưu đủ 15 năm đóng BHXH tương ứng với mức hưởng 45%. Tuy nhiên, thực chất của 15 năm đóng này chỉ tương đương với 38%. Có nghĩa là Nhà nước phải hỗ trợ thêm cho lao động 7% để đạt mức lương hưu 45%.
Ông Lợi cho rằng, nguyên tắc của BHXH đang hướng đến mục tiêu “đóng nhiều hưởng nhiều”. Cho nên đến năm 2016, mức đóng BHXH bắt buộc là 22% (trong đó chủ sử dụng 14% và lao động 8%) thì tổng toàn bộ tiền lương hưu của cả chủ sử dụng lao động và lao động cũng chỉ có tương đương 39,6% (22%/tháng x 12 tháng trong vòng 15 năm), nghĩa là 15 năm cũng chỉ tương ứng với 39,6% nhưng công thức tính lương hưu vẫn giữ nguyên là 45% mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH. Do vậy, để cân bằng quỹ BHXH Nhà nước không thể bù ngân sách để chi trả cho quỹ BHXH mà chỉ có thể bảo hộ khi có biến cố xảy ra để bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân.
Theo BHXH Việt Nam, chính sách hiện thời (tính đến trước 1-1-2018), lao động nữ 55 tuổi với 25 năm đóng BHXH, nam 60 tuổi với 30 năm đóng BHXH được hưởng 75% lương hưu. Do đó, Luật BHXH thiết kế để lao động có thể bị giảm một chút nhưng sẽ giảm nhẹ; tỷ lệ có thể giảm đi (năm 2018 nam mất 2%, nữ mất 1%) nhưng phải bù lại 14% chủ sử dụng lao động và 8% của người lao động đóng trên cơ sở mức lương cao hơn để khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu dựa trên số tuyệt đối về tiền lương làm căn cứ tính hưởng cao hơn. "Chúng ta đang hướng tới sàn an sinh xã hội và sàn lương hưu để tất cả người về hưu mức hưởng thấp nhất cũng ở sàn tối thiểu, ai đóng cao sẽ được hưởng cao" - ông Sơn nói.
"Thực ra, theo cách tính lương hưu mới, tỷ lệ hưởng có giảm sút nhưng sự giảm sút này nếu chúng ta thực hiện tốt và đồng bộ chính sách về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thì lao động vẫn không thiệt”
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Bình luận (0)