Là công nhân chế biến thủy sản phải làm việc nhiều năm trong môi trường lạnh, ẩm ướt, sức khỏe bà P.T.T.H giảm sút kèm đau ốm triền miên. Do vậy, cuối tháng 6-2021, bà H. xin nghỉ việc. Với 32 năm cống hiến cho Công ty CP Đông lạnh Q.N (tỉnh Bình Định), khi nghỉ việc, đáng lẽ bà được hưởng trợ cấp thôi việc cho khoảng thời gian từ năm 1990 đến tháng 12-2008. Nhưng kết quả bà phải "tự nguyện" cam kết không nhận khoản tiền này.
O ép
Cùng nộp đơn thôi việc với bà H. còn có một số đồng nghiệp khác và tất cả đều được phòng nhân sự yêu cầu ký tên vào bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động đã được in sẵn. Điều đáng nói là trong bản thỏa thuận này có nội dung nếu được công ty chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động (NLĐ) tự nguyện cam kết không nhận trợ cấp thôi việc. Khi đó, phần vì cán bộ nhân sự liên tục hối thúc, phần vì không am hiểu luật nên bà H. đã đồng ý. Sau khi nghỉ việc, phát hiện quyền lợi chính đáng bị mất oan, bà H. đã làm đơn khiếu nại gửi công ty nhưng không được giải quyết. Phía công ty cho rằng bà H. nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân và việc không nhận trợ cấp thôi việc là do bà H. tự nguyện, công ty không ép buộc. Khi nghỉ, công ty cũng đã hỗ trợ cho bà H. 5 triệu đồng nên khiếu nại của bà không có cơ sở giải quyết. Do ấm ức, mới đây, bà H. đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi. Do vụ việc xảy ra cách nay đã hơn 1 năm, vượt quá thời hiệu giải quyết nên đơn của bà không được các cơ quan chức năng thụ lý.
Cũng làm việc nhiều năm tại doanh nghiệp nhưng mới đây tập thể công nhân (CN) tại Công ty CP G.M (quận 7, TP HCM) mới được yêu cầu ký thỏa thuận bảo mật thông tin. Theo thỏa thuận này, trong vòng 24 tháng sau khi nghỉ việc, NLĐ không được làm việc tại bất cứ doanh nghiệp nào có cùng lĩnh vực hoạt động của công ty. Nếu vi phạm, ngoài khoản bồi thường 200 triệu đồng, NLĐ còn phải chi trả mọi chi phí cho quá trình kiện cáo, đòi bồi thường của công ty. Dù là thỏa thuận nhưng những CN chưa ký đều được phòng nhân sự mời lên làm việc riêng. Vì không muốn mất việc làm, hầu hết các CN đã đồng ý. Oái oăm là sau khi tìm hiểu kỹ, họ mới biết lĩnh vực hoạt động mà công ty đăng ký có đến 24 ngành nghề khác nhau. Nếu nghỉ việc, NLĐ rất khó tìm việc.
Người lao động đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi
Gây khó dễ
Mới đây, NLĐ thuộc các nhà thầu đang làm việc tại dự án công viên S.S (tỉnh Thanh Hóa) vô cùng bất ngờ khi nhận được thông báo từ Công ty TNHH S.P, chủ đầu tư. Nội dung thông báo nghiêm cấm tất cả công nhân, cán bộ, nhân viên các nhà thầu vào các quán dọc hai bên sông do vi phạm dự án công viên. Các trường hợp vi phạm sẽ bị phạt 2 triệu đồng/lần. Anh P.G.K, CN của một trong những nhà thầu đang làm việc tại dự án, bất bình: "Chúng tôi làm việc tại công trường, điều kiện làm việc khắc nghiệt, giờ giấc nghỉ ngơi ít nên thường chọn nơi ăn, uống, nghỉ ngơi tại các quán gần đó. Nếu cho rằng các quán vi phạm dự án thì chủ đầu tư nên giải quyết với họ chứ sao lại nhắm vào NLĐ. Việc xử phạt như vậy không chỉ gây thêm áp lực mà còn hạn chế các quyền tự do cơ bản của NLĐ".
Nhận định về sự việc trên, luật sư Lê Trọng Thêm, điều hành Công ty Luật TNHH LTT & Cộng sự, cho rằng nội dung thông báo của Công ty TNHH S.P không phù hợp quy định pháp luật. Bởi lẽ theo khoản 2 điều 15 Hiến pháp năm 2013 quy định "Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác". Ăn uống là nhu cầu thiết yếu cũng là một quyền cơ bản của con người. Khi NLĐ sử dụng dịch vụ ăn uống do các hộ dân cung cấp, nếu không thuộc các trường hợp bị hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng thì quyền con người, quyền công dân về dân sự này phải được công nhận và tôn trọng bởi tất cả mọi người. Mặt khác, theo Bộ Luật Lao động, NLĐ chỉ cần tuân thủ HĐLĐ với các nhà thầu (người sử dụng lao động), chứ không có nghĩa vụ chấp hành sự chỉ đạo của bên thứ ba. Trong trường hợp này, Công ty TNHH S.P là chủ đầu tư, không phải là người sử dụng lao động, do đó NLĐ của nhà thầu không có nghĩa vụ tuân thủ thông báo nêu trên. Ngoài ra, phía chủ đầu tư cũng không có quyền xử phạt NLĐ mức 2 triệu đồng/lần vi phạm vì theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, chỉ cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước mới có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chỉ xử phạt đối với vi phạm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống chứ không xử phạt đối với hành vi sử dụng dịch vụ ăn uống.
"Quan hệ lao động được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau. Do vậy, trong các cuộc đối thoại hay thương lượng, NLĐ nên tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật có liên quan".
Luật sư NGUYỄN VĂN PHÚC, Đoàn Luật sư TP HCM
Bình luận (0)