Tôi làm ở Công ty L.H (quận Thủ Đức, TP HCM) được 10 năm thì nghỉ việc vì lý do cá nhân. Mới đây, tình cờ đọc báo thấy công ty ăn nên làm ra, phát triển mạnh mẽ, mở chi nhánh khắp cả nước, tôi cũng vui nên gọi điện cho giám đốc chúc mừng. Vị giám đốc vui vẻ nhắc lại kỷ niệm cũ rồi cười ha hả: “Tôi nhớ nhất là cái vụ cào bằng suất ăn của cậu. Hồi đó nếu không nghe lời cậu thì có khi lại hỏng việc”.
Chuyện nhỏ như... bữa ăn
Chuyện “cào bằng suất ăn” mà sếp cũ kể là kỷ niệm đáng nhớ của tôi ở L.H. Hồi đó, các vấn đề liên quan đến tài chính - từ các hợp đồng lớn cho đến “chuyện nhỏ” như bữa ăn của công nhân - giám đốc đều hỏi ý kiến tôi. Lần đó, trưởng phòng lao động - tiền lương dự thảo một số khoản phúc lợi cho người lao động để chuẩn bị đưa ra thương thảo thỏa ước mới. Theo dự thảo này, tiền cơm của thành viên ban giám đốc là 75.000 đồng/suất, trưởng các bộ phận 60.000 đồng, còn công nhân trực tiếp sản xuất thì 15.000 đồng.
Thoạt nhìn vào bảng dự thảo, tôi đã thấy không ổn. Tuy nhiên, tôi hơi ngại phải nói thật suy nghĩ của mình. Thấy vậy, giám đốc giục: “Cậu có ý kiến đi chứ? Mức này có hợp lý không?”. Tôi nói nửa thật, nửa đùa: “Theo tôi, người cần ăn chế độ 60.000 đồng là công nhân trực tiếp chứ không phải trưởng phòng tài chính hay trưởng phòng nhân sự...”. Sếp có vẻ ngạc nhiên: “Cậu từ chối quyền lợi của mình à?”. Tôi nói thật suy nghĩ của mình: Công ty có nhà ăn tập thể, chỉ chuyện ban giám đốc và các trưởng bộ phận ăn riêng trong phòng máy lạnh, tôi đã thấy kỳ kỳ. Huống hồ chế độ của lực lượng này còn cao ngất ngưởng, trong khi đại đa số anh em ngoài kia lao động vất vả mà suất ăn chỉ bằng 1/4. Như vậy là không công bằng.
“Thế chẳng lẽ cào bằng?” - sếp nhíu mày. Tôi nói bữa ăn của tập thể lao động nên tính đúng, tính đủ. Anh em ăn no, đủ chất thì mới có sức khỏe để làm việc tốt. Sếp có vẻ nghĩ ngợi, sau đó gật gù: “Cậu nói có lý”.
Kết quả là sau đó, giám đốc quyết mọi người đều ăn suất 35.000 đồng. Chính từ quyết định đó mà người lao động phấn chấn, làm việc hăng say và tin tưởng vào sự chăm lo của ban giám đốc. Tôi xa công ty đã lâu mà giờ nghe tin công ty phát triển vẫn thấy vui trong lòng.
Trả giá vì xem thường công nhân
Rời L.H, ít lâu sau tôi về làm trưởng phòng tài chính Công ty A.H (có vốn đầu tư nước ngoài, quận Bình Tân, TP HCM). Tôi ở Công ty A.H chỉ 2 năm nhưng cũng có chuyện để nhớ.
Lần đó, trưởng phòng nhân sự xây dựng bảng phụ cấp để trình ban giám đốc thông qua. Tất cả các khoản như xăng xe, điện thoại, gửi con nhà trẻ, chuyên cần, thâm niên..., dàn cán bộ quản lý đều có hệ số gấp 3 lần lao động trực tiếp sản xuất. Đơn cử, trưởng phòng được phụ cấp xăng mỗi tháng 40 lít dù có người nhà ở cách công ty chưa đến 1 km, tiền điện thoại 500.000 đồng, thâm niên 1,2 triệu đồng, internet 800.000 đồng dù có người lên mạng chỉ để chơi game... Với công nhân thì phụ cấp xăng mỗi người 10 lít dù có người nhà tận huyện Củ Chi, Hóc Môn. Đáng nói là phụ cấp nuôi con của cán bộ quản lý được 800.000 đồng mỗi tháng, trong khi con công nhân trực tiếp chỉ có 150.000 đồng.
Tại hội nghị người lao động, có công nhân chất vấn: “Sao lại phân biệt con cán bộ với con công nhân? Không lẽ con chúng tôi không cần được ăn ngon, mặc đẹp, học hành đàng hoàng? Còn thâm niên làm việc, chẳng lẽ 1 năm gắn bó của cán bộ có giá trị hơn 1 năm của chúng tôi?”.
Bị chất vấn, giám đốc có vẻ bực bội. Ông nóng nảy đứng bật dậy: “Anh nói như vậy là không đúng. Những người làm cán bộ quản lý người ta đã phải đầu tư rất nhiều từ học hành, đào tạo..., chứ đâu phải như lao động tay chân. Các anh chị chỉ cần xa con trâu với cái cày là có thể vô nhà máy làm công nhân, còn người ta phải học tập, phải được đào tạo, hiểu chưa?”.
Sau lần đó, công nhân nhiều lần ngừng việc để phản đối các chính sách của công ty. Sự bất ổn diễn ra trong một thời gian dài. Đến năm 2013, công ty phải dời lên Bình Dương và hiện chỉ còn khoảng 200 công nhân. Trước đây, khi còn ăn nên làm ra, có lúc công ty sử dụng đến 1.500 lao động.
Lấy lòng nhân viên
Ở công ty tôi đang làm việc, ban giám đốc và công nhân cùng dùng cơm chung ở nhà ăn. Suất ăn của giám đốc người Nhật và các trưởng bộ phận cũng tương tự suất ăn của công nhân. Khi xuống nhà ăn, giám đốc cũng phải xếp hàng chờ đến lượt mình lấy cơm. Ăn xong, từ giám đốc đến cán bộ quản lý các bộ phận đều phải bưng mâm cơm đến trả cho nhà bếp.
Có lần, tổng giám đốc công ty mẹ ở nước ngoài đến thăm, chị nhân viên cấp dưỡng bưng mâm cơm lên bàn cho khách nhưng ông xua tay lắc đầu. Sau đó, ông cũng xếp hàng, lấy cơm, lấy thức ăn và bưng về bàn như mọi người. Ăn xong, ông tự mình mang mâm cơm đi dẹp và còn giúp các nhân viên nhà ăn xếp mâm bát vào máy rửa.
Anh em công nhân thấy vậy thì to nhỏ xầm xì, lấy làm lạ lắm. Riêng tôi thì nghĩ thật ra đó chỉ là cách người lãnh đạo, quản lý lấy lòng nhân viên. Đôi khi người ta cũng cần “diễn” nhưng nếu diễn với tấm lòng chân thật thì việc ấy rất nên làm.
Bình luận (0)