Công nghệ và số hóa sẽ có những đóng góp quan trọng trong quá trình cải thiện năng suất, tăng sản lượng kinh tế và tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra những thách thức lớn trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tương lai việc làm toàn cầu thay đổi nhanh chóng bởi sự tiến bộ công nghệ do người máy, máy tính và số hóa; Toàn cầu hóa, sản xuất và công việc ngày càng chuyên môn hóa; Các mối quan hệ việc làm và sự gia tăng việc làm dễ bị tổn thương với sự chênh lệch về giới trong thị trường lao động. Tại một số nền kinh tế trong khu vực, công nghệ mới sẽ được áp dụng triệt để trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Điều này có thể sẽ dẫn tới sự cắt giảm số lượng lớn những lao động ở trình độ thấp. Tại Thái Lan, riêng trong ngành sản xuất ô tô, hơn 60% lao động được trả lương và 73% lao động đang đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa. Tại Việt Nam, 75% lao động trong ngành điện tử và 86% trong ngành dệt may, da giày cũng trong tình trạng đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa. Trên phạm vi toàn cầu, lao động trong lĩnh vực trí óc và chân tay đã tăng lên liên tục so với lao động thường xuyên kể từ những năm 1980.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đang đặt ra những thách thức ngày càng to lớn đối với các nền kinh tế APEC nói chung và Việt Nam nói riêng. Chính phủ Việt Nam đã xác định nhiệm vụ phải "Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng thời phát huy tiềm lực khoa học, công nghệ, tăng nhanh năng suất lao động xã hội và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế".
Chỉ có hơn 11,21 triệu lao động qua đào tạo
Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần có bước đi phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ, chuyển đổi cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đối với Việt Nam, dự báo trong những năm tới, từ 2017 - 2025, lực lượng lao động Việt Nam tăng bình quân hàng năm 1,28%, tương ứng 728.000 người/năm. Quy mô lực lượng lao động tăng từ 55,54 triệu người năm 2016 lên 62 triệu người năm 2025.
Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.000 chỗ làm việc và chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn là hướng chính để tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, tính đến năm 2016, trong tổng số 54,36 triệu lao động cả nước chỉ có hơn 11,21 triệu lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ, chiếm 20,6%.
Bên cạnh đó, cơ cấu lao động qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo, đặc biệt là lao động được đào tạo trong các ngành kỹ thuật – công nghệ còn chiếm tỷ trọng thấp.
Hiện nay, Việt Nam đang thiếu hụt lao động có trình độ cao, công nhân lành nghề cũng như nhân lực trình độ cao làm việc trong các ngành, các lĩnh vực có tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Với mục tiêu tăng cường hợp tác khu vực trong phát triển nguồn nhân lực để đối phó với những thách thức trong kỷ nguyên số, Việt Nam cần tập trung vào các hành động ưu tiên trong lĩnh vực phát triển hệ thống thị trường lao động, kỹ năng, giáo dục, dạy nghề và an sinh xã hội.
Hưởng ứng chủ đề APEC 2017 là "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", đồng thời nhận thức những cơ hội và thách thức của kỷ nguyên số trên toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một dự thảo văn kiện về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, từ đó có thể thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế vốn đang là nhu cầu cấp thiết của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong việc xây dựng một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.
Bình luận (0)