Ở Việt Nam, thỏa ước ngành là một khái niệm tương đối mới mẻ song với nhiều nước trên thế giới, đây lại là xu thế tiến bộ được khuyến khích nhằm ngăn ngừa tranh chấp lao động.
Thỏa ước hiểu đơn giản là thỏa thuận được người sử dụng lao động (NSDLĐ) và tập thể NLĐ ký kết (đại diện là Công đoàn - CĐ - cơ sở) thông qua thương lượng. Để vận động một nhóm DN cùng ngành nghề cũng ký kết thỏa ước với các chế độ đãi ngộ tương tự là việc không đơn giản, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Thực tế, để có được bản thỏa ước chung cho 4 DN tại Đà Nẵng, quá trình đàm phán rất nhiêu khê, trải qua nhiều phiên thương lượng khó khăn với sự tham gia của NSDLĐ và NLĐ. Tuy nhiên, kết quả thương lượng đã khiến hàng trăm NLĐ tại các DN này hài lòng bởi một số điều khoản chung trong thỏa ước có những nội dung quan trọng, gồm: mức lương tối thiểu trả cho NLĐ phải cao hơn ít nhất 3,3% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; tăng mức phụ cấp ăn giữa ca và các khoản trợ cấp khác… Các điều khoản này được áp dụng chung cho cả 4 DN. Tương tự, thỏa ước khung của 4 DN ngành may tại quận 12, TP HCM cũng quy định một số chế độ có lợi cho NLĐ, điển hình như các DN cam kết thưởng Tết cho NLĐ có thời gian làm việc từ đủ 3 tháng trở lên tính tại thời điểm xét (mức thưởng là mức lương bình quân của năm); hỗ trợ thêm cho NLĐ hoàn thành tốt công việc, không vi phạm nội quy lao động (500.000 đồng/tháng); hỗ trợ tiền ăn giữa ca. Rõ ràng, việc các DN cùng ký kết thỏa ước với một số điều khoản chăm lo chung cho NLĐ đã là thành công của các bên liên quan, trong đó có tổ chức CĐ. Nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quan hệ lao động nhìn nhận thỏa ước nhóm DN có thể giúp giảm sự luân chuyển lao động và thúc đẩy quan hệ lao động ổn định bởi thực tế, NLĐ ít có ý định rời bỏ DN này để chuyển đến một DN khác khi các điều kiện tương tự được áp dụng cho tất cả DN. Về phía DN, cái lợi có thể thấy được là việc hình thành cơ chế hợp tác chặt chẽ với tổ chức CĐ trong việc nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của NLĐ.
Ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương với tư cách là một quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải chủ động hội nhập nhiều hơn. “Vận động các DN ký kết thỏa ước ngành không chỉ là cơ hội để đội ngũ cán bộ CĐ các cấp, đặc biệt là CĐ cấp trên, rèn giũa kỹ năng thương thảo, từ đó nâng cao năng lực đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ mà còn thúc đẩy ổn định quan hệ lao động lâu dài tại DN” - ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.
Bình luận (0)