Tại các hội thảo góp ý Luật BHXH (sửa đổi) tổ chức tại TP HCM, khi đề cập 2 phương án đề xuất rút BHXH một lần, hầu hết người lao động (NLĐ), cán bộ Công đoàn, thậm chí cả lãnh đạo doanh nghiệp (DN) đều chọn phương án 1. Cụ thể là nhóm tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến trước ngày 1-7-2025) sẽ được rút BHXH một lần. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Đừng để người lao động lo lắng
Kết quả khảo sát của Công đoàn Công ty TNHH Ampfield (100% vốn nước ngoài; KCN Tân Bình, TP HCM) cho thấy có 60% công nhân (CN) ủng hộ phương án 1, số còn lại đồng thuận phương án 2. Theo bà Võ Thị Sáu, Chủ tịch Công đoàn công ty, đây cũng được xem là phương án tối ưu và đáp ứng nguyện vọng của NLĐ nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Người lao động đăng ký rút BHXH một lần tại BHXH TP Thủ Đức, TP HCM .Ảnh: HỒNG ĐÀO
Theo bà Sáu, nguyên nhân sâu xa khiến NLĐ rút BHXH một lần vì thu nhập quá thấp không tích lũy để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Trong khi đó, do chỉ đóng BHXH trên nền lương tối thiểu nên chắc chắn lương hưu họ được nhận cũng không đáp ứng được cuộc sống khi về già. Vì vậy, để giải quyết bài toán rút BHXH một lần, ban soạn thảo cần chú ý thêm vấn đề bảo đảm an sinh cho NLĐ khi nghỉ hưu, ít nhất lương hưu phải bảo đảm mức sống tối thiểu. "Phải làm sao để NLĐ đặt niềm tin vào chính sách và tuyên truyền để họ nhìn thấy ngoài lương hưu thì khi về già họ còn có trong tay tấm thẻ BHYT trọn đời cùng nhiều chế độ khác..." - bà Sáu bày tỏ.
Theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao), không có chiếc áo nào đủ rộng cho tất cả mọi người. Thế nhưng, nếu phải lựa chọn giữa 2 phương án, ông sẽ chọn phương án 1 bởi trong trường hợp phải nghỉ việc, mất việc, NLĐ được rút 100% tiền "của mình. "Ban soạn thảo phải hiểu được tâm lý của NLĐ để thiết kế chính sách phù hợp với từng đối tượng để họ an tâm ở lại hệ thống an sinh, thay vì nơm nớp lo sợ chính sách thay đổi" - ông Hồng nói.
Bà Nguyễn Thị Minh Hòa, Giám đốc BHXH TP Thủ Đức, TP HCM, cho rằng chính sách rút BHXH đã tồn tại nhiều năm qua. Không ít người xem đây như khoản tiết kiệm để rút ra khi cần. Do vậy, nếu lựa chọn phương án 1 sẽ nhận được sự đồng thuận của NLĐ. Đồng thời, phương án 1 có thể xem như là cách "chốt đơn" việc hưởng BHXH đối với những người tham gia BHXH trước thời điểm Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, bắt đầu xây dựng lực lượng lao động tham gia mới, hướng đến hưởng lương hưu nhằm bảo đảm an sinh lâu dài.
Tăng thời gian chờ rút BHXH một lần
Theo phương án 2 được nêu trong dự thảo, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH".
PGS-TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), cho rằng phương án 2 đáp ứng được chủ trương tiến tới thiết lập hệ thống an sinh xã hội toàn dân của Chính phủ, đi theo hướng một nước phát triển mà ở đó mỗi người dân được bảo đảm an sinh xã hội khi về già. Đây cũng là phương án trung hòa, giúp trì hoãn việc rút BHXH một lần của NLĐ, phù hợp trong giai đoạn quá độ để tiến tới xây dựng chế độ an sinh xã hội bền vững, bảo đảm đời sống cho người già.
Đại diện Sở Tư pháp TP HCM kiến nghị để có cơ sở lựa chọn phương án tối ưu, ban soạn thảo cần làm rõ thêm quy định ở phương án 2. Cụ thể: "NLĐ nhận BHXH 50% rồi nếu có nhu cầu hưởng tiếp có được giải quyết không? 50% còn lại sẽ xử lý như thế nào trong trường hợp NLĐ không tìm được việc làm và tham gia tiếp BHXH?".
Theo ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc BHXH TP HCM, nguyên nhân của việc NLĐ chọn rút BHXH một lần do mất việc làm; thu nhập thấp không có tích lũy nhưng khi mất việc lại không có nguồn tài chính nào hỗ trợ; mức trợ cấp thất nghiệp không cao và việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cũng chưa được NLĐ quan tâm; thói quen nhận BHXH một lần từ trước đến nay của NLĐ.
Do các nguyên nhân này, hiện nay có tình trạng NLĐ "chạy luật" để hưởng BHXH một lần. NLĐ sau khi nghỉ việc sẽ ký hợp đồng lao động thời vụ hoặc hợp đồng ngắn hạn để không phải đóng BHXH và đủ điều kiện hưởng BHXH một lần. Điều này không chỉ thiệt hại cho NLĐ mà còn ảnh hưởng đến chính sách an sinh của nhà nước.
Để giảm tình trạng rút BHXH một lần, ông Hiệp đề xuất ngoài chọn phương án phù hợp, cần sửa quy định rút BHXH một lần theo hướng tăng thời gian chờ rút BHXH một lần sau khi nghỉ việc theo lộ trình (hiện nay là sau 12 tháng) đối với NLĐ tham gia trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực. Mức hưởng BHXH một lần vẫn giữ nguyên như hiện nay; không cho rút BHXH một lần đối với người bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện sau ngày Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực.
Đề xuất nâng chuẩn trợ giúp xã hội từ ngày 1-7-2024
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 20 về chính sách trợ giúp xã hội, với nhiều nhóm được bảo trợ từ ngân sách nhà nước. Dự thảo đề xuất 2 phương án nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.00 đồng lên 500.000 đồng hoặc cao hơn là 750.000 đồng/tháng và bổ sung 3 nhóm đối tượng thụ hưởng chế độ, dự kiến thực hiện từ ngày 1-7-2024. Nghị định 20 thực thi từ tháng 7-2021, quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/người/tháng. Mức chuẩn này là căn cứ xác định trợ cấp cho người già trên 80 tuổi không hưu trí, trợ cấp nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội và kinh phí chăm sóc một số nhóm đặc thù khác. Chính sách hiện hỗ trợ hơn 3,3 triệu người già trên 80 tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật... Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH), mức chuẩn trợ giúp như hiện hành quá thấp, chỉ bằng 24% so với chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2022-2025 (hiện là 1,5 triệu đồng/người/tháng). Trong khi đó, 10 năm qua, lương cơ sở đã điều chỉnh 6 lần nhưng chuẩn trợ giúp xã hội chỉ tăng 2 lần. Vì vậy, trong quá trình triển khai Nghị định số 20 cho thấy có nhiều vấn đề nảy sinh, nên Bộ LĐ-TB-XH đã tổ chức đánh giá, rà soát để nghiên cứu trình sửa đổi.
Ngoài việc kiến nghị sửa đổi nâng chuẩn mức trợ giúp, bộ còn đề xuất mở rộng thêm 3 nhóm đối tượng thụ hưởng trợ giúp xã hội trong thời gian gồm: trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không có người nuôi dưỡng; trẻ em dưới 3 tuổi; người cao tuổi (từ 75 - 80 tuổi) thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
N.Tú
Bình luận (0)