Ngay khi Chính phủ ban hành quy định mới về mức lương tối thiểu (LTT) vùng, Ban Giám đốc và Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Sản xuất cơ khí, cầu trục và lắp máy Tân Cơ (quận Bình Thạnh, TP HCM) đã thảo luận và chốt mức tăng để người lao động (NLĐ) yên tâm làm việc.
Sớm công bố lương, thưởng
Mức điều chỉnh LTT cho NLĐ tại công ty từ ngày 1-1-2020 là 240.000 đồng nhân với hệ số lương của NLĐ (gồm 4 bậc lương từ 1,2 đến 2,1). Như vậy, mức tăng sẽ từ 288.000 đồng đến 504.000 đồng/người/tháng; mức lương cơ bản của NLĐ từ năm 2020 sẽ dao động từ khoảng gần 4,8 triệu đồng đến hơn 5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so mức quy định của nhà nước. NLĐ sẽ được thưởng Tết bằng 1 tháng lương thực lãnh (từ 7 - 8 triệu đồng/người).
Ông Hồ Thanh Tâm, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết thời gian nghỉ Tết sẽ kéo dài 7 ngày (từ 23 đến 29-1-2020), tuy nhiên với những công nhân (CN) xa quê, ban giám đốc duyệt nghỉ thêm từ 1 - 2 ngày. "Để tri ân NLĐ, công ty sẽ tổ chức tiệc tất niên và khen thưởng các cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc. Với các kế hoạch chăm lo chu đáo, CĐ và ban giám đốc mong NLĐ sẽ có được những ngày Tết vui tươi, ấm áp" - ông Tâm chia sẻ.
Công nhân Công ty TNHH Fuji Impluse được thưởng Tết từ 2 - 2,5 tháng lương Ảnh: HỒNG ĐÀO
Tương tự, Công ty TNHH May mặc G&G (100% vốn Hoa Kỳ; quận Tân Bình, TP HCM) cũng đã hoàn tất việc điều chỉnh LTT vùng từ đầu tháng 12. Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết sau khi điều chỉnh, mức lương thợ phụ thấp nhất là 4.641.000 đồng/người/tháng, CN có tay nghề thấp nhất là 4.966.000 đồng/tháng. Công ty cũng thông báo thời gian nghỉ Tết cho CN là 14 ngày (từ 20-1 đến 2-2-2020). Mức thưởng Tết cho CN từ 1 - 1,35 tháng lương thực lãnh. "Tùy vào vị trí công việc, CN có mức thưởng Tết khác nhau như: CN chuyền may thưởng 1,3 tháng lương; CN may mẫu thưởng 1,2 tháng lương; các tổ trưởng thưởng 1 tháng lương; CN mới vào làm 1 tháng được thưởng ít nhất 500.000 đồng. Qua ước tính sơ bộ, tổng số tiền thưởng cho 550 CN khoảng 3,8 tỉ đồng" - ông Sơn cho hay. Ngoài ra, CĐ cơ sở sẽ tặng mỗi CN một phần quà trị giá 300.000 đồng. Tiệc tất niên sẽ được CĐ và ban giám đốc tổ chức vào ngày 11-1-2020 với chương trình văn nghệ, thi thời trang, bốc thăm trúng thưởng.
Khoanh vùng doanh nghiệp khó khăn
Lương, thưởng Tết cho NLĐ đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của các cấp CĐ TP, bởi đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống NLĐ và tình hình quan hệ lao động tại doanh nghiệp (DN).
Ông Phạm Văn Hiền, Phó Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TP HCM, cho biết đến nay, các DN trong các KCX-KCN TP vẫn chưa thông báo chính thức mức tăng LTT vùng. Tuy nhiên, qua khảo sát, dự kiến mức tăng LTT vùng tại các DN từ 240.000 - 300.000 đồng/người, một số DN có thể tăng cao hơn. Điển hình như Công ty TNHH Fuji Impluse (KCX Linh Trung I; 100% vốn Nhật Bản; quận Thủ Đức, TP HCM) có mức tăng cao hơn so với quy định.
Ông Huỳnh Kim Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fuji Impluse, cho biết ban giám đốc đang thảo luận cùng ban chấp hành CĐ về mức tăng LTT. "Do chỉ có 110 lao động nên việc tăng LTT vùng không ảnh hưởng nhiều đến DN. Tùy vào vị trí, mức độ hoàn thành công việc, cống hiến cho DN, NLĐ sẽ được tăng lương từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/người" - ông Khoa cho hay. Mức thưởng Tết Canh Tý 2020 ít nhất sẽ bằng mức thưởng năm 2019, từ 2 - 2,5 tháng lương/người. Tiền thưởng sẽ được phát cho NLĐ vào ngày 18-1-2020 và tiền lương tháng 1 sẽ được trả trước Tết. NLĐ sẽ được nghỉ Tết 11 ngày (từ 23-1 đến 2-2-2020).
Đến nay, tại các quận huyện ở TP HCM chỉ có một số DN đã hoàn tất và công bố phương án điều chỉnh LTT, thưởng, đồng thời có kế hoạch chăm lo Tết cho NLĐ. Ông Phạm Văn Tài, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, cho biết từ số liệu tổng hợp qua báo cáo của CĐ cơ sở, mức điều chỉnh LTT ở các DN từ 240.000 đồng; mức thưởng Tết đối với CN trực tiếp sản xuất là 1 tháng lương cơ bản. Hiện trên địa bàn quận có 1 DN gặp khó khăn, chuẩn bị giải thể là Công ty TNHH Tong Yu Textile. Để hỗ trợ NLĐ, CĐ cơ sở và ban giám đốc đã thỏa thuận hỗ trợ Tết cho hơn 200 CN với mức 3 triệu đồng/người.
Ông KIỀU NGỌC VŨ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Chủ động ngăn ngừa tranh chấp
Cận Tết là thời điểm dễ xảy ra tranh chấp, do đó CĐ cơ sở cần chủ động phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án điều chỉnh LTT vùng và kế hoạch thưởng Tết cho CN. Riêng CĐ cấp trên cơ sở cần tập trung giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách của DN để phát hiện sớm các đơn vị khó khăn, có nguy cơ xảy ra tranh chấp, qua đó tham mưu hỗ trợ CĐ cơ sở giải quyết, cũng như kịp thời xây dựng phương án hỗ trợ NLĐ.
Kỳ tới: Tết ấm áp cho người lao động
Bình luận (0)