Luật đã có hiệu lực từ 2013, nhưng đến nay lộ trình để mức lương tối thiểu (LTT) ngang bằng với mức sống tối thiểu vẫn chưa được xác định. Mỗi kỳ họp tăng lương, đại diện cho phía doanh nghiệp (DN) luôn "cò kè bớt một thêm hai", khi đề xuất những mức tăng rất thấp. Kỳ họp Hội đồng tiền lương Quốc gia vừa qua, trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 13,3%, thì đại diện phía DN mặc dù không đưa ra con số cụ thể nhưng chỉ muốn tăng dưới 5%.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn xung quanh vấn đề này.
PGS. TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn
Trước khi bước vào kỳ họp Hội đồng tiền lương Quốc gia năm nay, Viện Công nhân (CN) và Công đoàn (CĐ) đã có những khảo sát đánh giá cụ thể thế nào về mức LTT và đời sống của người lao động (NLĐ) hiện nay thưa ông?
PGS-TS Vũ Quang Thọ: Năm nào chúng tôi cũng khảo sát để cập nhật. Tại phiên họp hội đồng tiền lương dưới Hải Phòng, tôi đã nói rằng "Những thông tin tôi báo cáo với các quý vị đang rất nóng, sờ trên giấy vẫn còn nóng".
Đây không phải là nói vu vơ mà là những con số thật, được khảo sát dưới nhiều góc độ: Thứ nhất là tác động của tiền LTT từ 2016 sang 2017, có ảnh hưởng gì đến quỹ việc làm của các doanh nghiệp không, đến tốc độ sản xuất, đến lợi nhuận của các DN không, đến khả năng mở thêm các mặt hàng kinh doanh mới để cho số DN chẳng may bị ngừng sản xuất thì vẫn có số mới bù vào, quỹ việc làm vẫn tăng lên; thứ hai là đánh giá thực chất tiền LTT có bảo đảm tăng thêm lợi ích cho NLĐ không để người ta còn phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương tăng LTT; thứ ba là khảo sát để biết rõ thực trạng của đời sống CN lao động hiện nay là như thế nào, trong đó bao gồm đời sống vật chất và đời sống tinh thần khi chúng ta thực hiện tăng thêm 7,3% lương tối thiểu năm 2017;
Thứ tư là khảo sát xem tư tưởng, suy nghĩ, tình cảm của CN lao động họ có gì tiến bộ hơn sau khi tăng tiền LTT; thứ năm là hỏi xem CN lao động họ phản ánh như thế nào về tình cảnh hiện nay họ đang sống trong các doanh nghiệp, sản xuất, sức ép của công việc đối với CN lao động ra sao, xu hướng các chủ DN muốn sa thải CN sẽ là như thế nào? Thêm nữa là tình trạng rẻ rúng, coi người NLĐ của DN như thế nào?
Cụ thể đời sống, tâm tư của CN hiện nay, qua khảo sát vừa rồi là như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đã có báo cáo trong Hội đồng tiền lương Quốc gia. Nói chung, nhìn tổng thể với hơn 5000 phiếu khảo sát đến tận tay CN ở các DN, các khu nhà trọ cả 3 miền Bắc, Trung, Nam thì chúng tôi thấy về cơ bản đời sống của CN lao động có tăng lên sau khi chúng ta điều chỉnh tiền LTT. Cụ thể là số lương CN đủ chi tiêu và có một chút tích lũy tăng lên hơn những năm trước. CN lao động cũng cảm thấy phấn chấn hơn. Nhiều CN lao động cũng trả lời họ sẽ tiếp tục còn gắn bó với DN.
Tuy nhiên tôi vẫn phải nhấn mạnh lại là đời sống CN lao động hiện nay vẫn đang rất khó khăn. Những CNcó lương và thu nhập chưa đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống (có nghĩa là có bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu), số này chiếm tới 60%. Số có tích lũy một chút chiếm khoảng gần 10% với điều kiện cả 2 vợ chồng cùng làm CN lao động, chứ còn vợ ở nhà làm nông nghiệp, chồng làm CN hoặc ngược lại thì cũng chỉ đủ ăn, thậm chí thiếu. Còn lại khoảng 30% rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn, lấy cái hôm nay đắp vào cái ngày mai mà vẫn còn thiếu (ăn và mặc không đủ đáp ứng yêu cầu tối thiểu).Nếu chẳng may họ gặp phải rủi ro như ốm đau thì ngay lập tức gia đình CN rơi vào cảnh nghèo. Những đối tượng này rơi nhiều vào những DN nhỏ, DNở vùng sâu, miền núi. Chúng tôi đã đi khảo sát ở toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam, rồi lên Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng.
Tại cuộc họp Hội đồng tiền lương Quốc gia vừa diễn ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất con số tăng 13,3%. Con số này dựa trên tiêu chí nào thưa ông?
Có 3 tiêu chí mà mỗi lần đề xuất tăng lương Viện CN và CĐ là cơ quan tham mưu, Tổng LĐLĐ Việt Nam là người phát ngôn. Tiêu chí thứ nhất là mức trượt giá của nền kinh tế mà người ta hay dùng từ viết tắt là CPI.
Cô Lê Thị Thanh Hoa, chủ nhà trọ 37/3, đường số 9, KP5, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TPHCM, cũng là một trong các chủ nhà trọ nhiều năm không tăng giá thuê phòng - Ảnh: L.T
Tiêu chí thứ 2 là mức độ tăng trưởng của nền kinh tế thể hiện ở tăng trưởng GDP, sở dĩ có tăng trưởng này là thành tích của CN phản ánh qua năng suất lao động. Cái này không phải chúng tôi phát minh ra mà là tiêu chí đánh giá của ILO (Tổ chức lao động quốc tế tại Hà Nội) đề xuất và được các bên đều thừa nhận. Tiêu chí thứ 3 là khoảng cách thiếu hụt giữa tiền LTT hiện ban hành và mức sống tối thiểu mà cả Viện CN và CĐ cùng với Viện Dinh dưỡng Quốc gia khảo sát tính toán. Để đảm bảo mức sống tối thiểu có cả hàng hóa vật chất và phi vật chất. Hiện nay hàng hóa phi vật chất của CN lao động còn rất thấp kém, có thể nói là không có gì.
Trong 3 tiêu chí này thì CPI, GDP được Tổng cục Thống kê công bố và lấy con số đó. Còn chênh lệch giữa mức sống tối thiểu và LTT, chúng tôi dựa trên con số đi khảo sát. Năm ngoái cả 3 bên cùng thống nhất là phần thiếu hụt của tiền LTT so với nhu cầu sống tối thiểu là hơn 20%. Chính phủ đã tăng lương tối thiểu 7,3%. Trừ 7,3% này đi thì còn lại là tỷ lệ mà Tổng LĐLĐVN đã đề xuất trong phiên họp vừa qua là 13,3%. Cái này là quyền lợi đáng được hưởng của NLĐ. Trước hết họ phải đảm bảo mức sống tối thiểu đã rồi mới bàn đến chuyện năng suất, làm việc. Cho nên NLĐ được quyền đòi, và người thuê lao động phải trả lời và chấp nhận chuyện đó. Chính vì thế Tổng LĐLĐ Việt Nam mới đề xuất mức đó. Đó là chưa tính CPI, GDP, nếu tính cả 2 yếu tố này vào thì mức tăng còn phải cao hơn.
Trong cuộc họp vừa rồi, phía đại diện doanh nghiệp là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chưa đưa ra con số cụ thể nhưng chỉ muốn tăng dưới 5%, ông đánh giá thế nào?
Tôi nói thật là tôi thất vọng ở con số VCCI đưa ra. Họ nói rằng, đời sống CN hiện nay rất khó khăn. Thứ hai họ nói tăng trưởng của DN là nhờ CN lao động. CN lao động có phấn khởi, có tin tưởng, hăng hái làm việc thì chúng tôi mới có kết quả tăng trưởng này. Thế mà cuối cùng họ chỉ đưa ra con số quá thấp như thế. Tôi nói thật, ở trong cuộc họp tiền lương vừa rồi, phần lớn họ không muốn tăng. Họ đề nghị năm 2018 không tăng. Họ nói rằng 2- 3 năm nữa hãy tăng. Sau đó dưới sức ép của phía Tổng LĐLĐ Việt Nam họ nói rằng nếu có tăng thì tăng khoảng 3-4% thôi. Có chỗ thì nhích lên một chút khoảng 4-5%. Nói chung là dưới 5%. Trong khi đó Tổ kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đề nghị là khoảng trên 6%. Tôi đã nói luôn trong cuộc họp, kể cả 6% cũng vẫn là rất thấp.
Doanh nghiệp họ nói rằng, tăng lương tối thiểu sẽ tạo áp lực cho DN và giảm việc làm?
Việc tăng lương dẫn đến giảm việc làm, hoặc có thể có những DN phải đình trệ sản xuất cũng là một nguy cơ mà Tổng LĐLĐ Việt Nam phải tính đến.
Khẩu hiệu lớn nhất của Tổng LĐLĐ Việt Nam hiện nay là bảo vệ việc làm cho CN lao động, thế nhưng bảo vệ việc làm mà để cho CN của mình đói, khổ thì việc làm không giải quyết được gì.
Ai có cơ hội cứ vào khu vực Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng thì sẽ thấy phần lớn CN ở các tỉnh đó, số công nhân đồng bào dân tộc chiếm khoảng 30%, họ cứ âm thầm làm việc suốt ca sản xuất. Ca sản xuất của họ không phải 8 giờ vàng ngọc như công chức đâu mà là 10 tiếng, 12 tiếng mà thu nhập chưa đến 4 triệu/tháng. Đến mức độ họ phát biểu với chúng tôi rằng họ chẳng biết tính lương tăng hay không tăng thế nào nên đề nghị cứ chia hết ra xem mỗi ngày họ được bao nhiêu tiền. Thế có nghĩa là NLĐ của chúng ta đang mong muốn quay trở lại thời sơ khai trước chủ nghĩa tư bản, tính theo lương giờ, lương ngày để họ cố gắng chắt bóp, chi tiêu sao cho không ăn lẹm vào tiền lương mà họ làm được.
Trực tiếp đi khảo sát đời sống của CNở nhiều vùng, tôi đã nói với anh em trong Viện đi khảo sát cùng là không hiểu những người ngồi cò kè với NLĐ từng cắc bạc một, họ hiểu gì về đời sống của công nhân.
Với tình cảnh của CN như thế, theo ông mức tăng năm nay phải ở con số nào mới phù hợp?
Hiện nay phần thiếu hụt về tiền lương so với nhu cầu sống tối thiểu vào khoảng 13,3%. Như thế Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ chấp nhận ở mức tăng 13,3% để năm 2018 là chúng ta giải quyết xong được LTT bằng với nhu cầu sống tối thiểu. Sau khi bằng nhau rồi thì lúc đó Hội đồng tiền lương Quốc gia có thể 2 năm, 3 năm, thậm chí 4 năm họp một lần vẫn được vì chỉ cần xem xét 2 thông số là CPI và GDP.
Chúng tôi mong muốn như thế. Còn phương án 2 chúng tôi cũng không muốn đề xuất, tuy nhiên nếu phía đại diện doanh nghiệp vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình, mà Chính phủ lại yêu cầu mức này mức kia thì Tổng LĐLĐ Việt Nam chấp nhận kéo dài lộ trình điều chỉnh tiền lương một chút. Nếu Chính phủ nói rằng đến 2020 mới hết thúc cuộc "rượt đuổi" giữa tiền lương và nhu cầu sống tối thiểu thì Tổng LĐLĐ Việt nam sẽ đề xuất giảm đi một chút, nhưng nếu như vẫn quyết định lộ trình năm 2018 kết thúc theo nghị quyết gần chục năm nay rồi thì Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn giữ nguyên đề xuất 13,3%.
Điều 91 Bộ luật Lao động đã quy định tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, thì chúng ta phải thực hiện đúng theo luật rồi mọi việc mới tính tiếp. Thế nhưng Luật có hiệu lực 5 năm nay rồi mà đến nay lộ trình cũng còn chưa rõ thì không hợp lý.
Bình luận (0)