Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương, tình trạng người lao động (NLĐ) mượn hồ sơ người khác để giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) diễn ra khá phổ biến, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp trong công tác quản lý cũng như giải quyết chế độ, chính sách. Qua khảo sát của BHXH các địa phương, đa số NLĐ mượn hồ sơ người khác đều có chung lý do là không đủ tuổi lao động, ngại về quê xác nhận giấy tờ. Bên cạnh đó, tình trạng buông lỏng công tác tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp cũng tiếp tay cho NLĐ "lách luật".
Vi phạm nguyên tắc trung thực
Liên quan vấn đề này, cuối tháng 5-2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã có Công văn 1767/LĐTBXH-BHXH gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương và BHXH Việt Nam hướng dẫn phương án xử lý.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, trường hợp NLĐ mượn hồ sơ của người khác để giao kết HĐLĐ là hành vi vi phạm nguyên tắc trung thực theo quy định tại khoản 1 điều 15 của Bộ Luật Lao động (BLLĐ) và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết HĐLĐ theo quy định tại khoản 2 điều 16 của bộ luật này. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 điều 49 của BLLĐ, đây là trường hợp HĐLĐ vô hiệu toàn bộ.
Một buổi tư vấn pháp luật cho công nhân do Công đoàn Viên chức TP HCM tổ chức tại Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức, TP HCM) Ảnh: HỒNG ĐÀO
Cũng theo Bộ LĐ-TB-XH, thẩm quyền tuyên bố HĐLĐ vô hiệu và xử lý HĐLĐ vô hiệu được thực hiện theo quy định tại điều 50, 51 của BLLĐ và mục 3 chương III của Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Theo đó, TAND có quyền tuyên bố HĐLĐ vô hiệu. Việc xử lý HĐLĐ vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết HĐLĐ được thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều 51 của BLLĐ và điều 10 của Nghị định 145/2000/NĐ-CP. Tại khoản 4 điều 10 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định: "Các vấn đề khác liên quan đến xử lý HĐLĐ vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết HĐLĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự". Bộ LĐ-TB-XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo sở LĐ-TB-XH, cơ quan BHXH và các cơ quan chức năng liên quan tăng cường tuyên truyền để NLĐ, người sử dụng lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động; thường xuyên kiểm tra, thanh tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Vẫn còn vướng mắc
Liên quan việc triển khai Công văn 1767 của Bộ LĐ-TB-XH, mới đây, UBND TP HCM đã có văn bản báo cáo một số vướng mắc trong việc xử lý tình trạng NLĐ mượn hồ sơ của người khác để giao kết HĐLĐ.
Theo đó, BHXH TP HCM ghi nhận 3 trường hợp vướng mắc trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của NLĐ đề nghị điều chỉnh thông tin nhân thân liên quan đến NLĐ mượn hồ sơ hoặc cho người khác mượn hồ sơ để giao kết HĐLĐ và tham gia BHXH. Cụ thể, trường hợp 1: Đơn vị sử dụng còn hoạt động. NLĐ nộp đơn khởi kiện tại TAND các quận, huyện, TP Thủ Đức yêu cầu tuyên bố HĐLĐ vô hiệu nhưng TAND trả lại đơn cho NLĐ. Lý do: Vụ việc khởi kiện thuộc tranh chấp lao động cá nhân, bắt buộc phải giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động theo quy định tại điều 180 Bộ LLLĐ năm 2019 và yêu cầu cung cấp biên bản hòa giải của hòa giải viên lao động. Khi NLĐ có đơn đề nghị đến phòng LĐ-TB-XH các quận, huyện, TP Thủ Đức xem xét hòa giải thì đã hết hiệu lực hòa giải theo quy định tại khoản 1 điều 190 BLLĐ năm 2019.
Trường hợp 2: Đơn vị sử dụng lao động đã giải thể, phá sản. TAND các quận, huyện, TP Thủ Đức trả lại đơn khởi kiện của NLĐ với lý do không có chủ thể khởi kiện theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính.
Trường hợp 3: Người mượn hồ sơ hoặc cho người khác mượn hồ sơ đã chết, mất tích, định cư ở nước ngoài hoặc không xác định được nơi cư trú. BHXH Việt Nam có Công văn 1537 ngày 8-6-2022 đề nghị BHXH thành phố hướng dẫn trường hợp nêu trên liên hệ TAND giải quyết theo hướng dẫn tại Công văn 1767 nhưng TAND trả lại đơn của NLĐ, không giải quyết theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự. UBND TP HCM đề nghị Bộ LĐ-TB-XH có ý kiến đến Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và BHXH Việt Nam hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc đã nêu trên để bảo đảm tính thống nhất chung giữa các ngành liên quan khi triển khai, tổ chức thực hiện Công văn 1767.
Luật sư NGUYỄN VĂN PHÚC, Đoàn Luật sư TP HCM:
Phải tuân thủ luật
Việc giao kết HĐLĐ và tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp có liên quan thiết thân đến quyền lợi của NLĐ. Nếu HĐLĐ bị vô hiệu toàn bộ thì những thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ đạt được trong quá trình ký kết HĐLĐ như lương, thưởng, chế độ phúc lợi, điều kiện làm việc, nghỉ ngơi... không được công nhận. Trường hợp xảy ra tranh chấp, NLĐ sẽ không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi của mình. Luật BHXH năm 2014 quy định hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi bị nghiêm cấm. Tùy theo mức độ vi phạm mà các cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi "lách luật" sẽ khiến NLĐ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện thủ tục hưởng các chế độ liên quan, thậm chí có thể mất trắng quyền lợi. Do vậy, NLĐ phải tuân thủ luật.
M.Chi ghi
Bình luận (0)