Thời kỳ cơ cấu dân số vàng có nghĩa số người trong độ tuổi lao động lớn hơn người ăn theo. Theo thống kê tại Việt Nam, hiện nay cứ 2, 3 người trong độ tuổi lao động mới có 1 người không trong độ tuổi lao động. Do đó, hiện nay chúng ta đang ở đỉnh điểm của dân số vàng, chịu áp lực rất lớn nhất là khi mỗi năm có khoảng 220.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm.
Một nghiên cứu chỉ ra, nếu tăng tuổi nghỉ hưu 1 tuổi/năm sẽ có khoảng 400 nghìn lao động trong khu vực Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tiếp tục ở lại làm việc. Điều này cũng đồng nghĩa 400 nghìn người lao động (NLĐ) mất cơ hội việc làm, mức độ tắc nghẽn trong thị trường lao động tăng lên, dẫn tới hiện tượng "người già đi làm, người trẻ đi chơi".
Trên thế giới cũng không có nước nào nâng tuổi nghỉ hưu trong thời kỳ dân số vàng. Dẫn chứng tại Nga, một nước phát triển nổi tiếng với dân số già, song họ vẫn duy trì độ tuổi nghỉ hưu của nữ 55 tuổi và nam 60 tuổi tới 90 năm. Chỉ tới năm 2018, Nga mới quyết định tăng tuổi nghỉ hưu nữ lên 60 tuổi và nam lên 65 tuổi. Hay tại Thái Lan, đất nước còn khoảng 7 năm mới kết thúc thời kỳ dân số vàng, cũng mới chỉ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu ở khu vực hành chính sự nghiệp.
Trong khi đó, thời kỳ cơ cấu dân số vàng ở Việt Nam bắt đầu từ 2007, theo tính toán khoa học sẽ kéo dài khoảng 40 năm (năm 2047) mới kết thúc. Do đó, tuổi nghỉ hưu chỉ có thể được nâng từ năm 2040 khi thời kỳ dân số vàng sắp kết thúc. Còn ở thời điểm một vài năm tới, NLĐ đặc biệt trong khối sản xuất kinh doanh họ rất tâm tư khi kéo dài tuổi làm việc bởi sau 50 tuổi, cô công nhân may mắt đã mờ, khó có thể ngồi máy khâu hay NLĐ chế biến thủy sản cũng khó có thể đứng máy cả ngày… Nếu lấy phiếu thăm dò ý kiến, có thể có tới 99% NLĐ không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu.
au 50 tuổi, cô công nhân may mắt đã mờ, khó có thể ngồi máy khâu. Ảnh: Trần Hải
Mặt khác, việc tăng tuổi nghỉ hưu đi ngược với quan điểm chủ trương tinh giản biên chế với những quy định khuyến khích NLĐ về hưu trước tuổi.
Cuối cùng nếu tăng tuổi nghỉ hưu trong giai đoạn này, Việt Nam sẽ tiếp tục chịu cảnh lao động giá rẻ khi thiếu việc làm; chủ sử dụng lao động dễ sa thải lao động lớn tuổi; Công đoàn cũng gặp khó khăn hơn trong việc đàm phán thương lượng tiền lương tối thiểu, xây dựng thỏa ước tập thể…
Ở góc độ những lý lẽ bảo vệ quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu cũng không có cơ sở thuyết phục. Cụ thể, lấy lý do mức đóng thấp dẫn tới vỡ quỹ BHXH là không thể chấp nhận. Ngay từ năm 2014 Luật BHXH đã ra nhiều quy định tăng an toàn Quỹ BHXH như: Kéo dài năm đóng, mức đóng tăng, thời gian tính mức lương hưu cũng thay đổi; tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ BHXH.
Quan điểm cơ hội việc làm phù hợp thay thế cho NLĐ lớn tuổi chỉ phù hợp đối với những nước phát triển, già hóa dân số, thiếu lao động. Còn tại Việt Nam khi ở độ tuổi 45-50 rất khó để NLĐ tìm được việc làm trong khu vực chính thức.
Do vậy, để phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nên chăng cơ quan soạn thảo luật cần tách ra 2 khu vực để xác định tuổi nghỉ hưu bao gồm: Khối hành chính sự nghiệp và sản xuất kinh doanh. Trong khi NLĐ khối hành chính sự nghiệp có điều kiện môi trường làm việc khá tốt có thể nâng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ bằng nhau. Ngược lại khối sản xuất kinh doanh nên giữ nguyên như quy định hiện hành, nếu có tăng thì chỉ xem xét tăng độ tuổi lao động nữ lên 58 thay vì 55 tuổi, song cũng phải có lộ trình thích hợp.
TS. Đặng Quang Điều - Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam
Bình luận (0)