Trước thềm đại hội, nhiều cuộc góp ý cho dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành LĐLĐ TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2013-2018 trình Đại hội Công đoàn (CĐ) TP lần thứ XI nhiệm kỳ 2018-2023 đã được LĐLĐ TP HCM tổ chức nhằm tập hợp trí tuệ của các thế hệ cán bộ CĐ. Qua đó giúp tổ chức CĐ TP làm tốt hơn nữa vai trò, chức năng của mình trong nhiệm kỳ mới.
Chăm lo cho cơ sở và cán bộ
Nhận định về các mặt hoạt động của Ban Chấp hành LĐLĐ TP khóa X, bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP, đã đánh giá cao nỗ lực chăm lo cho CNVC-LĐ của tổ chức CĐ, nhất là các chương trình gây được tiếng vang như "Tấm vé nghĩa tình", "Trái tim nghĩa tình", "Tháng Công nhân (CN)" cùng các chương trình thiết thực dành cho CN ở trọ như vận động chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng; bán điện, nước đúng giá. "Tuy nhiên, bên cạnh thành quả chung ấy vẫn còn những con số đáng để suy nghĩ như tỉ lệ CĐ cơ sở đạt vững mạnh xuất sắc chỉ hơn 50%. Điều này không thể xem nhẹ bởi CĐ cơ sở có vững mạnh thì tổ chức CĐ mới phát triển, là chỗ dựa vững chắc cho đoàn viên. Nếu CĐ cơ sở không vững mạnh, hoạt động CĐ không thực chất thì làm sao thu hút được đoàn viên gia nhập CĐ?" - bà Khánh đặt vấn đề.
Cán bộ Công đoàn góp ý cho văn kiện đại hội Ảnh: THANH NGA
Một vấn đề cấp bách khác mà người cán bộ CĐ kỳ cựu này quan tâm là vấn đề bảo vệ cán bộ CĐ. Bà Khánh đề nghị LĐLĐ TP nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ cán bộ CĐ để khi họ đấu tranh với giới chủ, bị mất việc làm cũng không phải lo lắng. "Từ khi còn làm việc, tôi đã ấp ủ thành lập quỹ này. Có được sự hậu thuẫn lớn của tổ chức CĐ, cán bộ CĐ cơ sở mới mạnh dạn đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ" - bà Khánh cho hay.
Góp ý tại hội nghị, ông Nguyễn Vinh Thái, nguyên Chủ tịch CĐ Viên chức TP, nhìn nhận: "Tổ chức CĐ đã làm rất tốt vai trò đại diện, chăm lo cho CNVC-LĐ bằng các chương trình thiết thực. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta lại bỏ quên một đối tượng hết sức khó khăn là cán bộ CĐ. Hiện nay, có rất nhiều cán bộ CĐ có thu nhập thấp, đời sống chật vật, bị bệnh tật. Tôi nghĩ tổ chức CĐ phải chăm lo thật tốt cho cán bộ của mình. Có như vậy họ mới an tâm công tác, cống hiến".
Chủ động tham gia xây dựng chính sách
Đại diện cán bộ CĐ cơ sở góp ý cho dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành LĐLĐ TP, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch CĐ Công ty Nidec Việt Nam, cho biết hiện tại cách thức xây dựng và ban hành luật của nước ta vẫn còn nhiều bất cập, chưa sát thực tế nên có những điều luật khi đưa vào áp dụng đã vấp phải sự phản đối của CNVC-LĐ. Sự việc CN đồng loạt phản đối điều 60 Luật BHXH vào năm 2015 là một ví dụ điển hình. Sự việc này cũng cho thấy một trong những hạn chế của tổ chức CĐ là dự báo chưa tốt tình hình cũng như chưa thực sự có tiếng nói trong đấu tranh xây dựng pháp luật, nhất là những quy định có liên quan mật thiết đến đời sống người lao động (NLĐ). Ông Hồng đề nghị: "Để tránh những diễn biến tương tự, tổ chức CĐ và mỗi cán bộ CĐ phải sâu sát hơn nữa đời sống NLĐ, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của họ và nghiên cứu kỹ về luật để góp ý cho các dự thảo luật, các nghị định, các thông tư có liên quan đến NLĐ".
Về chương trình nâng cao trình độ, tay nghề cho CN, ông Hồng cho rằng hiệu quả còn thấp do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố thời gian, sức khỏe của NLĐ là quan trọng nhất. Do đó để thu hút CN đi học, CĐ cần phải thay đổi hình thức hỗ trợ, đưa trường lớp đến tận nhà trọ hoặc nơi cư trú và chọn những ngành, nghề đào tạo phù hợp với NLĐ.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Quang Trí, Chủ tịch CĐ Công ty Thương mại Tân Hoàng Gia, cho rằng nên phân loại đối tượng CNVC-LĐ để đào tạo. Đối với CN trực tiếp sản xuất thì việc đào tạo tay nghề phải đặt lên hàng đầu chứ không phải đào tạo về học vấn thông thường. Ông Trí đánh giá: "Chỉ có nâng cao tay nghề mới là tiền đề để họ nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống nên theo tôi phải xác định việc bồi dưỡng tay nghề, nâng bậc thợ cho CN là nhiệm vụ quan trọng của CĐ".
Bình luận (0)