Dù không đạt được sự đồng thuận với Công đoàn cơ sở về mức tăng lương và thưởng Tết nhưng Công ty TNHH T.Y (quận 7, TP HCM) vẫn đơn phương ban hành thông báo thực hiện. Đây là lý do gây ra vụ ngừng việc tập thể dài ngày trước Tết Nguyên đán 2023 và bên chịu tổn hại nhiều nhất chính là doanh nghiệp (DN).
Chỉ tăng nhỏ giọt
Tranh chấp tại công ty khởi phát khi ban giám đốc thông báo sẽ điều chỉnh lương năm 2023 và thưởng Tết. Theo đó, người lao động (NLĐ) sẽ được tăng 2,25% lương; riêng thưởng Tết thì NLĐ làm đủ 12 tháng trở lên sẽ được thưởng 1,1 tháng lương (gồm lương căn bản + phụ cấp); làm việc dưới 12 tháng thì mức thưởng là 100.000 đồng/người.
Theo tập thể NLĐ, trong 2 năm dịch bệnh, công ty không tăng lương. Đến năm 2021 công ty chỉ tăng 1%, khoảng 50.000 đồng/người/tháng. Do vậy, lần điều chỉnh này NLĐ hy vọng có mức tăng khá hơn nhưng đổi lại là sự thất vọng trong khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, không chỉ lần này mà những lần điều chỉnh lương trước đó, mức tăng cũng nhỏ giọt. Vậy nên, những lao động có thâm niên hơn 10 năm mức lương hiện tại cũng chỉ 5,8 triệu đồng/người/tháng. Cũng theo tập thể công nhân (CN), việc chỉ thưởng Tết cào bằng 100.000 đồng cho NLĐ làm việc dưới 1 năm là không thỏa đáng. Nhiều CN cho biết trong lần thương lượng với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở vào ngày 10-1, ban giám đốc công ty đề xuất mức tăng lương là 1,5% và không đưa ra mức thưởng Tết. Do Công đoàn cơ sở không tán thành nên ở lần thương lượng thứ hai, công ty vẫn giữ nguyên đề xuất tăng lương và mức thưởng Tết Nguyên đán là 0,78%. Điều đáng nói là sau cả 2 lần thương lượng, dù chưa đạt được sự đồng thuận nhưng công ty vẫn tự điều chỉnh ban hành thông báo nêu trên, dẫn đến ngừng việc tập thể.
Sau khi xảy ra tranh chấp, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, công ty và NLĐ tiếp tục trải qua 2 lần thương lượng thì mới đạt được sự đồng thuận. Theo đó, mức tăng lương năm 2023 sẽ là 2,25% nhân với mức lương cơ bản. Đồng thời, trong quý I/2023, công ty và Công đoàn cơ sở sẽ thảo luận xây dựng lại thang lương và bậc lương của NLĐ. Về mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2023, NLĐ làm việc trên 12 tháng sẽ được hưởng khoảng 1,09 tháng lương; NLĐ làm việc dưới 12 tháng sẽ tính theo tỉ lệ số tháng làm việc thực tế trong năm.
Quan tâm đúng mức đến việc thực hiện đối thoại tại nơi làm việc sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế tranh chấp lao động
Phớt lờ nguyện vọng người lao động
Cuối năm 2022, khi gặp khó khăn về đơn hàng, Công ty TNHH V.S (huyện Củ Chi, TP HCM) không thể bố trí việc làm cho hơn 60 cán bộ quản lý nên lên kế hoạch cắt giảm số lao động này.
Theo tính toán của DN, nếu thực hiện đúng quy định pháp luật đối với trường hợp cắt giảm lao động vì lý do kinh tế, mỗi NLĐ nghỉ việc, công ty phải trả trợ cấp mất việc ít nhất 2 tháng tiền lương. Do vậy, để tiết giảm chi phí, công ty không xây dựng phương án sử dụng lao động mà tiến hành vận động NLĐ tự xin nghỉ việc. Để tăng hiệu quả của cuộc "vận động", DN kèm theo thông báo sẽ cắt thưởng Tết đối với số lao động này, bất chấp sự phản đối của Công đoàn cơ sở. Kết quả, cuộc vận động không đạt kết quả, quan hệ lao động bất ổn do bức xúc của NLĐ tăng cao. Khi đó, Ban Chấp hành Công đoàn đã vào cuộc. Một mặt Công đoàn thông tin về tình hình khó khăn của DN, phân tích thiệt hơn cho NLĐ khi tiếp tục bám trụ tại công ty hoặc tìm cơ hội mới. Một mặt kiến nghị DN thực hiện trả thưởng Tết cho NLĐ bình đẳng như những lao động khác. Sau khi đối thoại với Công đoàn, toàn bộ số quản lý ấy đã đồng thuận nộp đơn nghỉ việc.
Thực tế cho thấy khi DN quan tâm lắng nghe tâm tư nguyện vọng NLĐ và thiện chí trong thương lượng sẽ hạn chế tranh chấp không đáng có. Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH N.V (TP Thủ Đức) cách đây ít lâu. Khi đó, dù không đạt được sự đồng thuận của NLĐ trong đợt lấy ý kiến trước đó nhưng Công ty TNHH N.S (thành viên cùng Tập đoàn với Công ty TNHH N.V), vẫn thông báo mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng đồng loạt là 260.000 đồng/người/tháng, gây ngừng việc tập thể. Đồng thời, khoảng 3.000 lao động ở Công ty TNHH N.V cũng rục rịch phản ứng. Để tháo "ngòi nổ" tranh chấp, ban chấp hành Công đoàn công ty đã lập tức yêu cầu ban giám đốc rút lại phương án điều chỉnh lương và khuyến nghị điều chỉnh mức tăng mới dựa trên nguyện vọng của CN với những lý lẽ thuyết phục. Cuối cùng, ngoài tăng 300.000 đồng vào lương cơ bản, ban giám đốc còn đồng ý tăng thêm phụ cấp cố định tùy theo bậc thợ cho NLĐ.
Lắng nghe và chia sẻ
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, nhìn nhận: Không phải ngẫu nhiên Bộ Luật Lao động dành 1 chương riêng quy định về "Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể". Đối thoại tại nơi làm việc nhằm chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với NLĐ hoặc tổ chức đại diện NLĐ về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp có lợi. Qua đó, giúp mối quan hệ lao động trong DN luôn hài hòa, ổn định, tránh tranh chấp lao động tập thể. Do vậy, hơn ai hết DN cần quan tâm đúng mức đến việc thực hiện đối thoại, thương lượng với NLĐ, tổ chức đại diện NLĐ để tránh chuốc phải thiệt hại không đáng có.
Bình luận (0)