Theo ông Tuấn, với định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Việt Nam tiếp tục yêu cầu phát triển nhanh chóng nguồn nhân lực ở lĩnh vực công nghệ. Trong đó, ngành công nghệ thông tin sẽ là ngành chiến lược vẫn giữ vai trò hàng đầu trong giai đoạn 2019-2025. Ngành này có xu hướng chuyên môn hóa cao độ để hình thành các ngành mới như bảo mật mạng, an toàn thông tin, lập trình ứng dụng di động, lập trình thiết kế game 3D…
Đối với nhóm ngành công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật ô tô là ngành có tốc độ phát triển nhanh với nhu cầu nhân lực lớn. Các ngành khác như điện, điện tử, cơ khí phát triển theo hướng hiện đại hóa, đòi hỏi nguồn nhân lực có khả năng cập nhật kiến thức mới. Cụ thể, nhu cầu nhân lực 4 nhóm ngành công nghệ kỹ thuật trọng yếu tại TP HCM giai đoạn 2019-2025 là: Điện tử - công nghệ thông tin cần 24.000 người/năm; Cơ khí cần 15.000 người/năm; Chế biến tinh lương thực thực phẩm cần 12.000 người/năm và ngành Hóa chất - nhựa cao su cần 12.000 người/năm.
Ngành dịch vụ cũng cần nhiều nhân lực trong thời gian tới
Xuất phát từ chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng nhanh tỉ trọng khu vực dịch vụ, các ngành nổi bật thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại, kế toán, tài chính đang và sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. Bên cạnh các ngành truyền thống như quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính - ngân hàng thì các chuyên ngành tương đối trẻ hơn như marketing, logistics, thương mại điện tử, tín dụng, bảo hiểm, luật kinh tế, luật quốc tế… cũng cần nhân lực tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Theo đó, nhu cầu nhân lực nhóm ngành kinh doanh - thương mại - kế toán - tài chính tại TP HCM là: Thương mại: 39.000 người/năm; Dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng (logistics): 15.000 người/năm; Dịch vụ bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin: 15.000 người/năm; Kinh doanh tài sản, bất động sản: 12.000 người/năm; Tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm: 12.000 người/năm; Dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ, nghiên cứu và phát triển: 9.000 người/năm.
Bình luận (0)