xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người gốc Việt về nước làm việc

Bài và ảnh: TRUNG NAM

Nền kinh tế tăng trưởng ổn định, cùng những chính sách khuyến khích thu hút nhân tài của Chính phủ đã tạo làn sóng hồi hương của người Việt ở nước ngoài

Theo khảo sát của Tập đoàn Tư vấn tuyển dụng Robert Walters (Anh), 71% người Việt Nam sống ở nước ngoài đang tích cực xem xét khả năng trở về quê hương sinh sống và làm việc trong 5 năm tới. 66% người được hỏi cho biết họ tin tưởng vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Đây là lý do quan trọng khiến họ lựa chọn quay về.

Cơ hội việc làm tại quê hương

Ông Phạm Tuấn Phúc, Giám đốc điều hành Robert Walters Việt Nam, cho rằng ngoài sự phát triển ổn định với những lĩnh vực nổi bật trong nước, nhiều năm qua, Việt Nam có mức tăng trưởng GDP duy trì ở khoảng 6% trong trung hạn và ngày càng có nhiều công ty đạt doanh thu vượt qua 1 tỉ USD. Điều đó khiến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư cũng như nhân tài quốc tế.

Bên cạnh đó, các chính sách được ban hành những năm gần đây của Chính phủ nhằm khuyến khích khởi nghiệp và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh cũng là động lực cho người Việt đang định cư ở nước ngoài trở về. Những chính sách này góp phần tạo ra môi trường kinh tế sôi động và cạnh tranh, mở ra nhiều cơ hội cho người Việt Nam ở nước ngoài muốn khẳng định bản thân và góp phần vào sự phát triển của quê hương. 

"Hơn nữa, tỉ lệ giữa mức lương cao và chi phí sinh hoạt thấp tại Việt Nam cũng là một yếu tố hấp dẫn đối với 44% người tham gia khảo sát muốn trở về quê hương. Qua đó, sẽ giúp họ có được một cuộc sống thoải mái và chất lượng hơn" - ông Phúc nhấn mạnh.

Người gốc Việt về nước làm việc - Ảnh 2.

Công viên phần mềm Quang Trung đã tạo điều kiện cho Việt kiều xây dụng mô hình phòng lab để thương mại hóa sản phẩm và đào tạo nhân lực

Ngoài lý do kinh tế, cũng có nhiều yếu tố then chốt khác làm tăng mong muốn quay về quê hương của người Việt ở nước ngoài. Có 62% người được khảo sát cho rằng sự gắn kết về mặt cảm xúc, xã hội và văn hóa với Việt Nam thôi thúc họ trở về quê nhà (tăng 13% so với năm 2021). Ngoài ra, 40% cũng cho biết họ muốn về nước để thuận tiện chăm sóc và gần gũi hơn với gia đình, người thân ở Việt Nam.

Có thể thấy, đứng trước quyết định "về hay ở", người Việt ở nước ngoài không chỉ quan tâm đến cơ hội nghề nghiệp mà còn đề cao giá trị gia đình và quê quán. Theo ông Phúc, vài năm gần đây, Robert Walters Việt Nam đã đồng hành với nhiều doanh nghiệp (DN) nội địa tiếp cận nguồn nhân lực người Việt có trình độ cao, có kinh nghiệm hoạt động trong môi trường quốc tế, đồng thời hỗ trợ những cá nhân tài năng trong quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm tại quê hương.

Hấp dẫn bởi điều kiện tốt

Anh Nghiêm Đức Thắng (35 tuổi, Việt kiều Úc) cho biết đang hoàn tất một số thủ tục để về nước làm việc. Sang Úc từ nhỏ cùng gia đình nhưng anh luôn có tình cảm đặc biệt với quê hương nên năm nào anh cũng về Việt Nam dù người thân còn rất ít.

Anh Thắng tốt nghiệp cử nhân quản lý hàng không tại Đại học New South Wales (Úc), đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Úc. Dù cuộc sống ổn định, thu nhập cao và nhiều cơ hội tốt nhưng với anh, vẫn không đâu bằng quê hương. "Mỗi năm tôi đều về và thấy Việt Nam phát triển nhanh không ngờ, nhất là 8 năm gần đây. Tôi cũng lập một nhóm nhỏ các anh em có nguyện vọng về nước làm việc để chia sẻ cơ hội và sẵn sàng hỗ trợ các DN trong nước nếu họ cần chuyển giao một số công nghệ" - anh Thắng nói.

Chị Lương Ngọc Huyền (33 tuổi, Việt kiều Đan Mạch) cũng mong muốn trở về quê hương làm việc sau 16 năm sinh sống tại châu Âu. Là kỹ sư công nghệ sinh học được đào tạo tại Israel, chị đã chọn Đan Mạch, Hà Lan để phát triển sự nghiệp của mình. Thế nhưng cô gái người Ninh Bình này vẫn cảm thấy được làm việc tại quê hương mới hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn. 

"Tôi đã liên hệ với một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tại TP HCM theo chính sách thu hút nhân tài và bị hấp dẫn bởi điều kiện làm việc tốt, máy móc nghiên cứu khá hiện đại. Nếu mọi việc thuận lợi, đầu năm sau tôi sẽ chuyển hẳn về Việt Nam" - chị Huyền bày tỏ.

Ông Phạm Tuấn Phúc cho rằng các DN trong nước đang đứng trước cơ hội vàng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao này. Theo thứ tự ưu tiên, người Việt ở nước ngoài khi trở về Việt Nam mong muốn có cơ hội tham gia vào những dự án hấp dẫn, trải nghiệm thực tế và có trách nhiệm cụ thể trong công việc; mức lương và đãi ngộ hấp dẫn; văn hóa DN và phong cách lãnh đạo tạo điều kiện để nhân tài phát triển; cơ hội thăng tiến rộng mở; quy mô và tính chất của công việc, ngành nghề phù hợp… Nếu có thể đáp ứng được những nhu cầu này, DN trong nước có thể thu hút và giữ chân được những nhân tài Việt kiều đang khát khao về nước làm việc, cống hiến trí tuệ cho đất nước.

Kết quả khảo sát của Robert Walters cũng cho thấy có 27% người Việt Nam ở nước ngoài chấp nhận giảm lương 30% hoặc ít hơn so với mức hiện tại nếu trở về; 26% cho biết muốn có mức lương phù hợp với kinh nghiệm và vai trò cũng như mặt bằng chung.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo