Rất nhiều người lao động (NLĐ) tại Công ty CP Xây dựng Công trình giao thông 710 (Công ty 710, đóng tại 127 Đinh Tiên Hoàng, phường 3, quận Bình Thạnh, TP HCM) đang đứng trước nguy cơ trắng tay sau hàng chục năm làm việc. Có việc này là bởi công ty không đóng BHXH cho nhân viên từ năm 2012 đến nay.
Muốn nghỉ việc cũng không ai giải quyết
“Chúng tôi đang rơi vào thế bí. Người đi xin việc làm mới thì không chốt được sổ BHXH; người nghỉ hưu sau mấy chục năm làm việc thì tay trắng, ốm đau tự lo. Thậm chí, bây giờ nhiều người làm đơn xin nghỉ việc thì cũng không ai ký, công ty nhận đơn rồi cứ ngâm đó. Dù công ty dán thông báo đang hoạt động bình thường nhưng trụ sở thì chỉ còn anh bảo vệ và tạp vụ, khiếu nại với ai đây?” - ông Đỗ Quốc Cử, thợ máy của Công ty 710, lo lắng.
Hơn 40 người lao động đã nộp đơn khởi kiện Công ty 710
Ông Đỗ Quốc Cử là thợ máy sửa chữa thiết bị công trình, công tác tại công ty từ năm 1984. Do yếu tố ngành nghề độc hại, ông Cử đi giám định y khoa và được chứng nhận đủ điều kiện nghỉ hưu. Tháng 1-2015, công ty ra quyết định cho ông Cử nghỉ việc và ghi rõ ông được hưởng các chế độ hưu trí theo luật định do BHXH TP HCM chi trả.
“Họ ghi cho vui vậy thôi chứ chế độ nằm ở đâu khi công ty không hề đóng BHXH cho tôi từ năm 2012? Lúc đầu, công ty thỏa thuận sẽ tự trả lương hưu cho tôi hằng tháng nhưng rốt cuộc, tôi chỉ nhận được đúng 1 lần. Tôi nhiều lần khiếu nại nhưng chỉ được trả lời một câu lạnh lùng: Công ty hết tiền, muốn kiện thì cứ kiện!” - ông Cử bức xúc.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu cũng thở dài khi nói về trường hợp của mình: “4 năm tham gia quân đội, về công ty công tác hơn 30 năm, giờ không lẽ tôi phải trắng tay khi nghỉ hưu?”. Trước đây, ông Hiếu là tổ trưởng một tổ thi công trên công trường. Sau khi ông bệnh nặng, đau yếu thường xuyên mới được sắp xếp về làm bảo vệ công ty. Cũng như những NLĐ khác, ông Hiếu bị nợ 9 tháng tiền lương và không được đóng BHXH từ năm 2012 đến nay.
Ông Hiếu khẩn khoản: “Tôi bệnh tật nhiều năm nay, giờ BHXH không có, BHYT tôi cũng phải tự mua, thu nhập từ công việc bảo vệ chỉ được 4 triệu đồng mỗi tháng. Kiện tụng thì chẳng đặng đừng, tôi chỉ mong được giải quyết chế độ sớm để có thể nghỉ ngơi”.
Công ty lặng im
Theo công văn của BHXH TP HCM gửi Công ty 710 hôm 13-6, tính đến ngày 31-5, công ty còn nợ tổng số tiền BHXH, BHYT, BHTN lên đến hơn 4,3 tỉ đồng, với tổng thời gian nợ là 49 tháng. Tuy nhiên, sau công văn này, Công ty 710 vẫn lặng im và không có bất kỳ hành động nào giải quyết quyền lợi cho NLĐ. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Bình Thạnh cũng nhiều lần mời hòa giải nhưng đều không thành do đại diện Công ty 710 vắng mặt.
Bên cạnh đó, đầu tháng 9-2016, nhận thấy Công ty 710 đang chuyển hồ sơ giấy tờ ra khỏi trụ sở chính tại 127 Đinh Tiên Hoàng, NLĐ đã tập họp lại để phản đối. Ngay sau đó, công ty ra Thông báo số 03TB/HĐQT-2016 ghi rõ vẫn “đang hoạt động tại trụ sở số 127 Đinh Tiên Hoàng” và “một số NLĐ đã nghỉ việc tại công ty đang cản trở việc tổ chức xắp xếp lại trang thiết bị văn phòng, hồ sơ lưu trữ”.
Tuy nhiên đến nay, trụ sở công ty vẫn hoang vắng, trống không, hầu như chỉ còn mỗi bàn thờ ông địa ở phòng hành chính. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, thỉnh thoảng, vài nhân viên ở đâu đó ghé qua công ty thăm chừng một lát rồi đi. “Công ty vẫn “đang hoạt động” kiểu như thế” - ông Hiếu giải thích.
Theo nhiều NLĐ, việc Công ty 710 cho rằng một số người đã nghỉ việc đến cản trở công ty là không đúng. Thực tế, nhiều NLĐ đang muốn nghỉ việc mà không ai giải quyết. “Khi NLĐ không lên công ty nữa thì bị quy chụp là nghỉ việc không lý do, vô kỷ luật. Thế nhưng, tình trạng không lương, không việc đã diễn ra từ đầu năm 2015, giờ công ty lại thế này thì chúng tôi đến công ty để làm gì? Từ hồi Công ty 710 cổ phần hóa đến nay, việc ký chuyển nhượng cổ phần, sở hữu công ty thế nào, NLĐ chúng tôi không hề biết, giờ chỉ biết kết cục của mình có nguy cơ trắng tay” - ông Hiếu than thở.
Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ Chủ tịch HĐQT Công ty 710 - ông Nguyễn Đức Thuận - theo số điện thoại cùng một số lãnh đạo công ty trong thông báo được niêm yết nhưng không có ai trả lời. NLĐ cho biết họ chỉ còn cách là nộp đơn kiện công ty ra tòa đòi quyền lợi.
Bình luận (0)