Mới đây, 55 người lao động (NLĐ) Công ty CP Lilama 45-4 tại Đồng Nai đã gửi đơn đến Báo Người Lao Động kêu cứu vì bị công ty nợ lương trong năm 2016 và 2017. Ngoài ra, công ty còn nợ tiền nghỉ phép, trợ cấp thôi việc của NLĐ khoảng hơn 2,7 tỉ đồng.
Khốn khổ vì bị nợ lương, trợ cấp
Theo phản ánh của NLĐ, từ 6 tháng cuối năm 2016 trở đi, Lilama 45-4 bắt đầu nợ lương nhân viên, chỉ trả những khoản tạm ứng. Sau thời gian dài không nhận được lương, nhiều NLĐ buộc phải xin nghỉ việc. Điều đáng nói là Lilama 45-4 ra quyết định cho NLĐ nghỉ việc nhưng không giải quyết tiền lương và các khoản trợ cấp dù nhiều người có thâm niên công tác.
"Gắn bó với công ty gần 30 năm nhưng đến khi nghỉ việc, tôi vẫn chưa được thanh toán trợ cấp, khoảng hơn 60 triệu đồng. Việc công ty phớt lờ trách nhiệm chi trả khiến tôi và nhiều NLĐ khác gặp nhiều khó khăn" - ông Trịnh Viết Hanh, tài xế xe cẩu, bức xúc.
Ông Trịnh Viết Hanh và giấy thỏa thuận hoàn trả tiền tạm ứng cho ông nhưng đến nay, Công ty Lilama 45-4 vẫn chưa trả
Ông Trần Xuân Phú, phụ trách quản lý máy móc của công ty, cho biết thời điểm gặp khó khăn, ban giám đốc có động viên NLĐ ở lại làm việc. Thế nhưng, người nào càng trụ lâu thì càng khổ bởi không được nhận lương.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, lúc ăn nên làm ra, Lilama 45-4 có hơn 1.000 NLĐ, thi công hàng loạt công trình lớn trong cả nước. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty đi xuống và tình trạng nợ lương xảy ra như cơm bữa. Không chỉ nợ lương, công ty còn không bảo đảm quyền lợi về BHXH cho NLĐ.
Thắng kiện cũng bó tay
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP, cho hay Công ty CP Lilama 45-4 là doanh nghiệp cổ phần. Trong đó, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam giữ 35,06% vốn điều lệ với ngành nghề chính là gia công, chế tạo, lắp đặt thiết bị trong các nhà máy công nghiệp.
Theo đề án tái cấu trúc của Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (giai đoạn đến năm 2020) đã được phê duyệt, Lilama 45-4 là một trong những đơn vị mà tổng công ty sẽ thoái toàn bộ vốn. Những năm qua, do sản xuất - kinh doanh không hiệu quả nên quy mô sản xuất và lực lượng lao động của công ty liên tục giảm. Bên cạnh đó, công ty còn nợ lương và các chế độ khác của NLĐ.
Vừa qua, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam đã nhận được công văn từ Văn phòng Chính phủ về việc NLĐ của Lilama 45-4 kêu cứu vì chưa được giải quyết các khoản lương và chế độ. "Tổng công ty, với tư cách là cổ đông lớn nhất, đã chỉ đạo và phối hợp với người đại diện phần vốn tìm kiếm các biện pháp tháo gỡ, như tái cấu trúc tài sản, công nợ…, đồng thời hướng dẫn NLĐ khởi kiện đòi quyền lợi. Tổng công ty đã có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ về vấn đề này" - ông Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo NLĐ, đến nay, hầu như tình hình vẫn không có chuyển biến gì. Nhiều trường hợp NLĐ theo trình tự thủ tục đã gửi đơn khởi kiện ra tòa nhưng vẫn không đòi được quyền lợi.
Ông Nguyễn Xuân Lai, nhân viên từng khởi kiện Công ty Lilama 45-4 đòi trợ cấp thôi việc từ năm 2017 và được tuyên thắng kiện, đến giờ, khâu thi hành án vẫn chưa được thực hiện. "Chúng tôi đang thực sự bó tay, không biết phải kêu ai, không biết đường nào để đòi quyền lợi chính đáng cho mình" - ông Lai bức xúc.
“Về danh nghĩa, hiện Công ty Lilama 45-4 vẫn hoạt động nhưng không có ai chịu trách nhiệm. Rất nhiều người nản rồi bỏ luôn nợ. Chúng tôi đã gửi đơn cầu cứu đến nhiều nơi nhưng vẫn không bên nào đưa ra phương án giải quyết” - bà Nguyễn Thị Oanh, nhân viên công ty, cho biết.
Bình luận (0)