Từ cuối tháng 9-2018 đến nay, người dân thôn Vân Dương, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã tụ tập trước cổng 2 nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý (Cụm Công nghiệp Thanh Vinh) để phản đối tình trạng ô nhiễm khói bụi, nguồn nước từ các nhà máy này thải ra trong quá trình sản xuất. Do UBND TP Đà Nẵng vẫn chưa đưa ra quyết định cụ thể về việc di dời nhà máy nên việc làm, đời sống của cả 1.000 công nhân (CN) cũng bị ảnh hưởng.
Tương lai bất định
Đến thời điểm này, nhiều người dân xã Hòa Liên vẫn chặn trước cổng nhà máy, không cho bất cứ phương tiện hay CN ra vào. Khốn khổ nhất vẫn là CN vì rơi vào tình trạng mất việc làm. Nhiều người trong số đó phải kiếm việc làm tạm bợ để trang trải chi phí sinh hoạt bởi lâu nay họ là lao động chính trong gia đình.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà trọ ẩm thấp trên đường Âu Cơ, cạnh Cụm Công nghiệp Thanh Vinh, ông Phạm Đức Bình, CN xưởng cán 3 Nhà máy Thép Dana - Ý, buồn bã cho hay ông chưa biết phải làm cách nào để ổn định cuộc sống trước mắt khi khó khăn kéo dài. Ông Bình đã gần 50 tuổi và có hơn 20 năm làm việc cho nhà máy. "Công việc rất nặng nhọc nhưng có được thu nhập ổn định, khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Cộng với mức lương CN may của vợ khoảng hơn 3,5 triệu đồng, vợ chồng tôi vẫn có thể xoay xở chi tiêu cho cả gia đình. Từ khi nhà máy ngừng hoạt động và khoản thu nhập chính không còn thì gia đình rơi vào cảnh túng quẫn" - ông Bình than thở. Gần nửa tháng qua, dù đã cố gắng chi tiêu tằn tiện nhưng vợ chồng ông Bình vẫn thiếu trước hụt sau, phải vay mượn khắp nơi. Khoản chi phí thuê nhà trọ, nuôi 2 con ăn học và chăm sóc cha già… phụ thuộc vào đồng lương CN của người vợ.
Từ ngày nhà máy ngưng hoạt động, ông Trần Hậu thay vợ ở nhà chăm sóc con và đối mặt nỗi lo cơm áo gạo tiền
Đáng thương hơn là hoàn cảnh ông Trần Hậu, CN xưởng cán 3 Nhà máy Thép Dana - Ý. Ông Hậu là người ở xã Hòa Liên, đã có gần 16 năm làm việc cho nhà máy này. Cuộc sống CN đã không mấy thảnh thơi mà số phận cứ như trêu ngươi khi vợ chồng ông có 3 người con mà 2 con trai khi lên 1 tuổi đều lên cơn sốt, co giật, động kinh và kể từ đó thần kinh không còn bình thường. Khi chúng tôi ghé thăm, trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, ông Hậu đang lui cui nấu cháo để bón cho 2 con trai. Một người đã 21 tuổi nhưng giống như đứa trẻ lên 3 và con út 12 tuổi cũng chung tình cảnh. Do 2 con bệnh tật nên vợ ông Hậu là bà Nguyễn Thị Hiền phải nghỉ làm CN để ở nhà chăm sóc. "Khi nhà máy dừng hoạt động, trong xóm ai gọi gì tôi làm nấy. Mấy hôm nay, tôi xin một chân phụ hồ nhưng thu nhập thất thường. Không biết sắp tới gia đình tôi sẽ ra sao?" - ông Hậu thở dài.
Mong sớm có lời giải
Ông Bình, ông Hậu và rất nhiều CN khác ở 2 nhà máy thép vẫn mong mỏi chính quyền sớm có câu trả lời dứt khoát về số phận của 2 nhà máy. "Chúng tôi mong chính quyền quyết định nhà máy đi hay ở lại để sớm ổn định mọi việc, CN được trở lại công việc thường ngày, có lương nuôi sống gia đình" - ông Bình mong mỏi.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều CN, nhất là CN lớn tuổi, cho biết họ đã gắn bó hơn chục năm với nhà máy, do vậy nếu phải bỏ nghề thì không biết phải làm gì cho phù hợp. Trước tình cảnh khó khăn của CN, mới đây, Công đoàn (CĐ) Công ty CP Thép Dana - Ý đã gửi thư cầu cứu Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ TP Đà Nẵng sớm có biện pháp hỗ trợ người lao động (NLĐ). Trong thư, CĐ công ty kiến nghị chính quyền TP Đà Nẵng nhanh chóng có chính sách rõ ràng, nhất quán đối với việc quyết định cho nhà máy thép tiếp tục sản xuất ở địa chỉ cũ hay di dời để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho NLĐ. CĐ công ty cũng kiến nghị TP Đà Nẵng cần có chính sách hỗ trợ kịp thời CN nếu thực hiện chủ trương di dời nhà máy. "Trong số 900 CN của nhà máy thì có gần 100 CN không trụ được đã làm đơn xin nghỉ việc. Công ty đã giải quyết quyền lợi và chốt sổ cho họ. Nếu để tình trạng này kéo dài rất dễ gây nên những phản ứng tiêu cực trong CN dù CĐ đã vận động họ bình tĩnh chờ quyết sách của lãnh đạo TP" - ông Lê Văn Bình, Chủ tịch CĐ Công ty CP Thép Dana - Ý, lo lắng.
Ông Bình cho biết do sự chần chừ của lãnh đạo TP Đà Nẵng mà mỗi ngày nhà máy mất doanh thu 1 tỉ đồng. Tình trạng này còn kéo dài sẽ đưa công ty đến bờ vực phá sản và sẽ khiến đời sống 1.000 CN bị ảnh hưởng nặng nề.
Bảo đảm quyền lợi người lao động
Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, cho biết hiện lãnh đạo TP đang rà soát các thủ tục pháp lý để đưa ra quyết định cuối cùng về số phận của 2 nhà máy, chậm nhất là cuối tháng 10 này. Trong suốt thời gian 2 nhà máy ngưng hoạt động, doanh nghiệp vẫn trả lương cho NLĐ theo mức lương tối thiểu vùng. "Quyền lợi của CN ở 2 nhà máy không bị vi phạm nhưng bị ảnh hưởng do không có thu nhập. Hai công ty trên cũng không nợ BHXH và doanh nghiệp vẫn chốt sổ đầy đủ nếu NLĐ có nguyện vọng nghỉ việc" - bà Hà cho biết.
Bình luận (0)