Cách đây không lâu, bị giám đốc cho nghỉ việc nhưng chỉ báo trước 3 ngày, gần 30 công nhân (CN) Công ty S.J.V (quận 12, TP HCM) đã gửi đơn cầu cứu đến LĐLĐ quận. Chị Nguyễn Thị Tươi, một trong các CN khiếu nại, cho biết: "Tôi làm ở khâu kiểm hàng từ tháng 11-2016 nhưng không được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ). Khi bị cho nghỉ việc, chúng tôi phản ứng thì giám đốc S.J.V thản nhiên bảo công ty chưa ký HĐLĐ với CN nên theo quy định, chỉ cần báo trước 3 ngày".
Luật một đằng, thực hiện một nẻo
Sau khi nhận thông tin phản ánh, đại diện LĐLĐ quận 12 đã liên hệ với bà P.T.N, Giám đốc Công ty S.J.V, để nắm tình hình, đồng thời yêu cầu công ty thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Tuy nhiên, bất chấp những điều khoản luật mà cán bộ LĐLĐ quận viện dẫn, bà N. vẫn nhất quyết khẳng định công ty làm đúng.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch LĐLĐ quận 12, bày tỏ: "Lúc đầu, chúng tôi chỉ muốn phân tích cho công ty biết đúng sai để hai bên tự hòa giải với nhau, vừa bảo đảm được quyền lợi cho người lao động (NLĐ) vừa giúp doanh nghiệp tránh được những thiệt hại không đáng có. Song, vì phía doanh nghiệp quá bảo thủ, buộc lòng chúng tôi phải làm đúng quy trình để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Bên cạnh việc phối hợp cùng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận giải quyết tranh chấp lao động, chúng tôi còn đề nghị đoàn thanh tra liên ngành quận tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động tại công ty này".
Người lao động đến Báo Người Lao Động đề nghị can thiệp, bảo vệ quyền lợi
Sau các bước giải quyết trên, Công ty S.J.V mới nhận sai, đồng ý bồi thường cho NLĐ. Công ty cũng cam kết ký HĐLĐ với những CN đang làm việc nhưng chưa được ký hợp đồng.
Việc hiểu luật mù mờ rồi thực hiện theo suy nghĩ chủ quan gây tranh chấp lao động cũng xảy ra tại Công ty S.C (huyện Hóc Môn, TP HCM). Dù đã trải qua giai đoạn thử việc, được ký HĐLĐ và làm việc một thời gian dài nhưng tập thể CN lại đột ngột nhận được thông báo yêu cầu thử việc lại trong thời gian 2 tháng. Nếu sau thời gian này, ai không đạt yêu cầu sẽ bị cho nghỉ việc. Quá bức xúc, CN đã khiếu nại đến cơ quan chức năng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh, Giám đốc Công ty S.C, giải thích do gần đây, năng suất lao động giảm sút nghiêm trọng nên công ty đã yêu cầu CN thử việc lại. "Mục đích của thông báo ấy chỉ nhằm "hù dọa" CN để họ chấn chỉnh lại cách làm việc. Thực tế, trong thời gian thử việc lại, chúng tôi vẫn trả lương đầy đủ theo HĐLĐ đã ký trước đó và cũng chưa chấm dứt HĐLĐ với bất cứ CN nào vì lý do thử việc lần 2 không đạt yêu cầu" - ông Minh chống chế.
Trả chế độ cao vẫn bị kiện?
Mới đây, ông D. Richard (quốc tịch Anh) cùng trung tâm ngoại ngữ A. (quận 1, TP HCM) đã đưa nhau ra tòa vì không đạt được thỏa thuận trong việc chi trả tiền trợ cấp thôi việc (TCTV).
Theo ông D. Richard, ông làm việc liên tục tại trung tâm ngoại ngữ A. với thời gian hơn 7 năm và đã ký 6 bản HĐLĐ. Các bản HĐLĐ đã ký đều ghi điều khoản "Mức lương đã bao gồm TCTV, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác của NLĐ theo pháp luật Việt Nam". Thế nhưng, khi HĐLĐ cuối cùng chấm dứt và nghỉ việc, ông D. Richard vẫn yêu cầu trung tâm chi trả tiền TCTV cho khoảng thời gian làm việc nêu trên. Ông D. Richard cho biết TCTV sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân nhưng thực tế, toàn bộ lương theo hợp đồng của ông đều bị tính thuế này.
"Khi tôi yêu cầu trung tâm chỉ rõ phần nào là tiền lương (chịu thuế thu nhập cá nhân) và phần nào là TCTV (không chịu thuế thu nhập cá nhân) thì họ không chứng minh được. Hơn nữa, hiện nay, không có quy định nào của pháp luật cho phép người sử dụng lao động được trả TCTV gộp chung với lương của NLĐ" - ông D.Richard lập luận.
Bà N.K.D, đại diện trung tâm ngoại ngữ A, cho rằng việc trung tâm trả TCTV gộp vào lương của NLĐ là thực hiện theo khoản 1 điều 4 Bộ Luật Lao động: "Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho NLĐ có những điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động". Cụ thể, với cách làm của trung tâm, NLĐ sẽ được lợi hơn luật khi được nhận TCTV trước lúc nghỉ việc và không cần làm đủ 12 tháng theo quy định.
"Hơn nữa, theo thang, bảng lương đã đăng ký với cơ quan quản lý lao động, mỗi năm, trung tâm chỉ tăng lương cho NLĐ 5% theo ngạch, bậc. Tuy nhiên, thực tế thì lương hằng năm, ông D. Richard lại được nâng 11%-54%. Với khoản tăng lương "khủng" như vậy, sau khi trừ khoản TCTV lẫn chi phí phát sinh từ việc đóng thuế thu nhập cá nhân, ông D. Richard vẫn được lợi hơn rất nhiều" - bà D. phân tích.
Không được gộp chung trợ cấp thôi việc vào lương
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết quy định của pháp luật hiện hành không cho phép người sử dụng lao động trả TCTV gộp chung với lương của NLĐ. Mặt khác, đối với NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền tương đương mức đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định. Như vậy, trung tâm A. không tách bạch mà gộp chung tiền lương và TCTV là chưa đúng quy định của pháp luật.
Bình luận (0)