Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) trọng điểm của Việt Nam. Đây cũng là 2 quốc gia đầu tư rất lớn vào nước ta. Hai nền kinh tế lớn của khu vực Đông Bắc Á này đang đối mặt tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động. Với nét văn hóa tương đồng Việt Nam, các chế độ phúc lợi dành cho người lao động (NLĐ) khá tốt nên Hàn Quốc và Nhật Bản được nhiều người lựa chọn đi XKLĐ.
Hàn Quốc nới lỏng các điều kiện
Để có nguồn nhân công cho các doanh nghiệp (DN) trong nước hoạt động, Hàn Quốc lựa chọn giải pháp "nhập khẩu lao động" từ các quốc gia đang phát triển.
Theo Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, trong năm 2023, nước này có kế hoạch tuyển khoảng 110.000 lao động nước ngoài để tháo gỡ những khó khăn về nhân lực cho các DN sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp. Tuy nhiên, các hiệp hội nghề nghiệp tại Hàn Quốc cho biết trên thực tế, nhu cầu tuyển dụng lao động cao hơn nhiều mới có thể duy trì hoạt động của các DN.
Ngành may mặc Nhật Bản đang thiếu nhân công trầm trọng
Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc vừa công bố cải tiến chế độ cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài (Chương trình EPS) mà Việt Nam là một trong 16 nước đang tham gia. Theo đó, Hàn Quốc sửa đổi các quy định nhằm thúc đẩy việc tuyển dụng nhân lực nước ngoài lành nghề phục vụ nhu cầu thực tế của DN trong nước; đa dạng phương thức sử dụng nhân lực nước ngoài nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động tại các vùng sâu, vùng xa; tăng cường hỗ trợ cư trú cho nhân lực nước ngoài; nới lỏng các điều kiện để lao động trong ngành đóng tàu sớm nhập cảnh Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhân lực quốc tế Sovilaco (quận Tân Bình, TP HCM), cho rằng Hàn Quốc vẫn là điểm đến được nhiều NLĐ chọn khi quyết định ra nước ngoài làm việc. Thị trường truyền thống này thời gian gần đây có nhiều chính sách mới dành cho NLĐ nước ngoài, như: tăng hạn mức tiếp nhận lao động, tăng ngành nghề, thời gian làm việc đến 10 năm và tăng lương, tăng trợ cấp…
Theo ông Trung, thời gian làm việc dài, thu nhập khá hơn so với cùng công việc ở nhiều thị trường khác là lợi thế mà Hàn Quốc đang có. Nước này cũng từng bước nâng chất lượng lao động từ nước ngoài để NLĐ có mức lương cao hơn, được hỗ trợ nhiều hơn.
Các chuyên gia về XKLĐ nhận xét thách thức lớn nhất đối với NLĐ khi đi theo Chương trình EPS là phải trải qua kỳ thi năng lực tiếng Hàn do Hàn Quốc phối hợp với Việt Nam tổ chức. Yêu cầu năng lực tiếng Hàn rất cao nên khá khó cho những ai chưa chuẩn bị tốt. Bên cạnh đó, hiện nay, Trung tâm Lao động ngoài nước (Colad) là đơn vị duy nhất được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phép thực hiện Chương trình EPS theo hướng phi lợi nhuận nên rất khó mở rộng độ bao phủ cũng như tiếp nhận lao động với số lượng lớn.
Nhật Bản: Nhiều ưu điểm vượt trội
Với thị trường Nhật Bản, NLĐ có nhiều sự lựa chọn. Diện kỹ sư sẽ dành cho NLĐ có trình độ, tay nghề trong nhóm ngành nghề mà Nhật Bản cho phép tuyển. Mức lương cơ bản của kỹ sư Việt Nam tại Nhật Bản khá cao, từ 35 - 45 triệu đồng/tháng. Với lao động phổ thông đến Nhật Bản diện thực tập sinh kỹ năng, sắp tới đây cũng có nhiều ưu điểm vượt trội về công việc, thu nhập và thời gian làm việc dài hơn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM - Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Cung ứng Nhân lực Hoàng Long, cho biết năm 2022, 67.295 lao động Việt Nam đã sang Nhật Bản làm việc, đưa quốc gia này tiếp tục dẫn đầu về tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam.
Hiện mức lương trung bình cho thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản là khoảng 25 - 38 triệu đồng/tháng, chưa tính tăng ca. So với thu nhập trung bình trong cùng công việc, ngành nghề tại Việt Nam, đây là mức lương khá cao. Nếu chăm chỉ làm việc, chi tiêu tiết kiệm thì sau khi hết hợp đồng về nước, NLĐ sẽ có khoản tiền tích lũy 500 - 800 triệu đồng.
Đó chưa phải là tất cả, nếu có sự chuẩn bị kỹ và kế hoạch rõ ràng khi tham gia chương trình đi làm việc tại Nhật Bản, NLĐ còn có cơ hội nhận được nhiều thứ đáng giá hơn tiền. Đó là tiếng Nhật, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng, tác phong chuyên nghiệp, các mối quan hệ với người Nhật, cơ hội làm việc tại các DN Nhật Bản tại Việt Nam...
Không chỉ thiếu lao động phổ thông, Nhật Bản còn đang thiếu hàng trăm ngàn kỹ sư công nghệ thông tin, cơ khí, điện tử... Đây là cơ hội để NLĐ Việt Nam tốt nghiệp đại học, cao đẳng trong nước khối kỹ thuật, nhất là lao động có kinh nghiệm cộng với trình độ tiếng Nhật tốt, sẽ được làm việc ở môi trường và chế độ đãi ngộ cao như công dân Nhật.
"Mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng tốt đẹp. Ngày càng có nhiều DN Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư và mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Khi sang Nhật Bản làm việc, quyền lợi của NLĐ được bảo đảm hơn so với những thị trường khác. Chuyện NLĐ bị hủy hợp đồng hay kết thúc hợp đồng sớm hơn thời hạn hiếm khi xảy ra" - bà Thủy nhấn mạnh.
Bình luận (0)