Báo cáo Chiến lược phát triển nguồn nhân lực số do FPT Digital (văn phòng quận 1, TP HCM) phát hành cho biết 80% ngành nghề hiện đã tuyển dụng nhân sự với các kỹ năng số nhiều hơn. Gần 50% doanh nghiệp từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng gián đoạn và thất bại do thiếu nhân lực phục vụ chuyển đổi số.
Phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp thường gói gọn chuyển đổi số ở công nghệ, phần mềm và chuyển giao hết trách nhiệm cho chuyên viên, đội ngũ IT, thay vì nâng cao nhận thức cho toàn bộ nhân viên tất cả cấp bậc.
Nhu cầu nhân lực về kỹ năng số ngày càng tăng cao
Việc đầu tư nâng cao trình độ mới chỉ tập trung vào cán bộ quản lý và chuyên gia cấp cao, trong khi đội ngũ chuyên viên kỹ thuật, công nhân lao động chủ yếu tự đào tạo hoặc tự cải thiện tay nghề.
Để triển khai chuyển đổi số, cần có sự kết hợp giữa tư duy số và kỹ năng số. Tuy nhiên, doanh nghiệp thường khó khăn trong việc xác định chính xác những năng lực họ thực sự cần nhằm đưa ra yêu cầu tuyển dụng nhân sự phù hợp.
Theo báo cáo trên, tư duy số liên quan tới việc sử dụng tư duy logic, trực quan, suy nghĩ đổi mới và sáng tạo trong không gian số.
Cụ thể gồm 5 loại tư duy chính: tư duy hợp tác; tư duy mở, sẵn sàng đón nhận thất bại; tư duy ra quyết định dựa trên dữ liệu thu thập; tư duy ứng dụng công nghệ; tư duy giải quyết vấn đề và phản biện.
Còn kỹ năng số được chia thành 3 loại chính: Loại 1 là trình độ tin học cơ bản, phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, công việc hàng ngày.
Loại 2 là kỹ năng số trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông. Loại 3 gồm kỹ năng số cho lực lượng lao động nói chung, cho phép sử dụng hiệu quả các hệ thống công nghệ thông tin và quy trình công nghệ chung trong các lĩnh vực, ngành nghề.
Trong đó, "an ninh mạng" và "điện toán đám mây" nằm trong những kỹ năng số chủ chốt được yêu cầu nhiều nhất bởi các tổ chức.
Bình luận (0)