Thị trường lao động tiếp tục đà phục hồi nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là hiện tượng mất cân đối cung cầu lao động cục bộ. Nhiều địa phương như: TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Nghệ An... có sự sụt giảm về số lượng người có việc làm. Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số lao động bị mất việc tăng từ 118.000 người (quý IV/2022) lên gần 149.000 lao động (quý I/2023). Cơ hội việc làm thu hẹp khiến nhiều ứng viên tìm việc gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Quy định vô lý
Tháng 3-2023, chị Trần Thảo Nguyên (33 tuổi, quê Phú Yên) nhận được lời mời phỏng vấn vị trí chuyên viên truyền thông cho một bệnh viện ở TP HCM. Sau khi hỏi về quá trình làm việc, nhà tuyển dụng yêu cầu chị xây dựng kế hoạch truyền thông cho 1 năm và gửi lại trong vòng 4 ngày.
Đúng hạn, chị Nguyên gửi đi bản trình bày bằng PowerPoint dài hơn 30 trang. Dù vậy, chị chỉ nhận về những bình luận chê bai, kèm lời nhắn nếu không tuyển được người phù hợp thì mới gọi lại. Một trải nghiệm không vui khác mà chị Nguyên từng gặp phải là bị doanh nghiệp (DN) hủy thư mời nhận việc ngay trước ngày vào làm. "Công ty giải thích do nhân viên cũ rút lại quyết định thôi việc nên họ không cần tuyển người mới. Sau đó, họ cũng không đưa ra một lời xin lỗi, trong khi tôi đã nộp đơn xin nghỉ ở công ty đang làm" - chị Nguyên nói.
Thường xuyên bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ nhân sự để nâng cao chất lượng tuyển dụng
Không chỉ hành xử thiếu chuyên nghiệp, nhiều DN còn áp dụng các quy định bất hợp lý, thậm chí trái pháp luật khi tuyển người. Chị Hà Thị Vân Trang (23 tuổi, quê Quảng Nam) đã tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (quận 7, TP HCM). Mất nhiều tháng tìm kiếm việc làm, chị Trang mới nhận được phản hồi từ một DN xuất nhập khẩu.
Chưa kịp mừng thì chị nhận được thông báo từ công ty đề xuất tiền lương thử việc là 80% mức lương của công việc (thay vì ít nhất bằng 85% như quy định) và thời gian thử việc là 6 tháng (trong khi theo luật là không quá 60 ngày). Dù mong muốn sớm có việc làm nhưng chị Trang đành phải từ chối lời mời của nhà tuyển dụng.
Anh Hồ Huỳnh Tuấn Anh (29 tuổi, quê Đồng Tháp) cũng từng rơi vào một hoàn cảnh không vui. Anh Tuấn kể mới đây, khi đến một DN tham gia phỏng vấn, anh bị nhân viên bảo vệ yêu cầu vào phòng cởi áo kiểm tra hình xăm, không có mới cho vào công ty. Bất bình với cách hành xử này, anh quyết định không tham gia phỏng vấn.
"Đáng lý người phụ trách tuyển dụng nên thông báo trước với ứng viên để họ cân nhắc và chủ động. Hơn nữa, việc tuyển dụng thường dựa vào kinh nghiệm và kỹ năng của người lao động (NLĐ), sao lại có những quy định như thế. Họ cần hiểu rằng không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận bị ép cởi áo để kiểm tra" - anh Anh bức xúc.
Cần hành xử chuyên nghiệp
Theo bà Trần Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc và nhà sáng lập Học viện Văn hóa DN và Trải nghiệm nhân viên ACEX JSC (TP Hà Nội), hiện còn khoảng cách lớn giữa nhu cầu người tìm việc với hình thức tuyển dụng của DN. Hệ lụy từ làn sóng cạnh tranh thu hút, tuyển dụng ở một số nhóm ngành, vị trí công việc, dẫn đến thúc đẩy các giá trị ảo trên thị trường lao động.
Bên cạnh đó, sự dễ dãi và tuyển dụng vội vã, bất chấp khi "bong bóng" nhu cầu tuyển dụng tăng cao đã tạo điều kiện cho các hành vi thiếu chuyên nghiệp tăng thêm. Còn ở góc độ DN, chất lượng nhân sự của đội ngũ tuyển dụng nhiều nơi vẫn còn yếu và cách làm chưa mới. "Ví dụ, nếu người phỏng vấn thiếu kỹ năng, cảm tính, cung cấp thông tin không minh bạch… có thể đánh tụt cảm xúc của NLĐ xuống mức thấp, dễ gây bức xúc, bất bình" - bà Hồng dẫn chứng.
Một bất cập khác được ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc điều hành Công ty CP Phát triển Nguồn lực quốc tế (TP Thủ Đức, TP HCM), chỉ ra là tình trạng hạn chế về hiểu biết pháp luật của NLĐ lẫn người sử dụng lao động. Ông Hưng phân tích nhiều NLĐ thiếu, chưa có ý thức trong tìm hiểu, tuân thủ hoặc chưa có điều kiện được tiếp cận pháp luật.
Do đó, họ không biết được những quyền lợi chính đáng của mình khi đi xin việc. Vì thế, không hiếm trường hợp sau khi thương lượng hay nhận thông báo tiếp nhận mới lên mạng xin tư vấn. Cũng không ít nhân sự tuyển dụng còn hiểu biết một cách hời hợt, chưa đầy đủ các quy định về pháp luật lao động.
Để giúp thị trường lao động vận hành lành mạnh, theo các chuyên gia, DN nên ưu tiên cung cấp trải nghiệm tích cực cho người tìm việc bằng cách tổ chức lại quy trình tuyển dụng theo hướng chuyên nghiệp, bài bản. DN cũng cần chú trọng bồi dưỡng năng lực và thường xuyên cập nhật các kiến thức về pháp luật cho đội ngũ nhân viên, nhất là bộ phận nhân sự.
Từ đó, có cách hành xử đúng đắn và phù hợp với đạo đức kinh doanh. Trải nghiệm tiêu cực mà ứng viên gặp phải có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng tuyển dụng nhân sự chất lượng cho DN. Trái lại, nếu xây dựng được danh tiếng tốt, DN sẽ chiếm lợi thế trong việc thu hút và chiêu mộ nhân tài.
Bình luận (0)