Sếp còn kể nhiều ưu điểm của nữ ứng viên ấy nhưng trưởng phòng nhân sự vẫn bảo lưu quan điểm: "Nhược điểm lớn nhất của cô ấy là cố ý nói ngọng. Sếp xem lại đi". Rồi ông mở băng ghi hình lại cho sếp xem.
Cô gái ấy rất đẹp, phong thái chững chạc, tự tin; hỏi đến đâu, trả lời trôi chảy đến đó. Song cô ta cứ phát âm lẫn lộn âm "th" thành âm "h". Trưởng phòng nhân sự xem xong nói: "Cô ta cứ nói "thong thả" thành "hong hả", "thì" thành "hì"… thật khó chịu". "Thì trong công ty cũng có khối người phát âm sai đấy thôi?" - sếp tôi vẫn chưa chịu thua.
Trưởng phòng nhân sự giải thích với ông rằng đây là vị trí đối ngoại; phải nói năng, giao tiếp với bên ngoài nên rất cần phát âm đúng. Ông nhấn mạnh: "Cái này không phải bị khuyết tật về giọng nói. Rõ ràng cô ấy nói được âm "th" nhưng lại cứ nói thành "h" nghe rất chướng". Thấy không thuyết phục được trưởng phòng nhân sự, sếp quay sang tôi: "Ý chị thế nào?". Tôi ngần ngừ: "Tôi cũng không thích cái kiểu cố ý nói ngọng của cô ấy. Cứ như là làm nũng với người yêu chứ không phải một cuộc làm việc nghiêm túc".
Giám đốc cho rằng tôi cũng là phụ nữ nên… ganh tị với nữ ứng viên. Tôi nhắc sếp nhớ có lần tôi và sếp cùng xem chung chương trình tường thuật một hội nghị của Liên Hiệp Quốc, vị đại diện của Việt Nam từ đầu đến cuối cứ phát biểu "việc làm" thành "việc nàm" khiến cả tôi và sếp đều bực bội. Khi tôi nhắc lại điều này thì sếp nhượng bộ nhưng vẫn cố vớt vát: "Được rồi, không chọn thì không chọn. Nhưng các anh chị chọn trưởng phòng đối ngoại chớ đâu phải chọn MC…".
Chúng tôi không tranh luận với sếp nữa nhưng vẫn giữ quan điểm: Bạn có thể bị đánh rớt nếu cố tình nói "có thể" thành "có hể". Và giả sử vì lý do gì đó mà bạn được chọn thì khi bạn phát biểu "việc làm" thành "việc nàm" thì tôi vẫn không thể đánh giá cao bạn. Các bạn trẻ cần chú ý điều này khi phỏng vấn tìm việc.
Bình luận (0)