“Thực tế, đa số các Công ty trả lương cơ bản (LCB) cao hoặc bằng mức lương tối thiểu (LTT) vùng, CN phải tăng ca thường xuyên, làm thêm bên ngoài để tăng thu nhập nhưng để có thể sống được và nuôi một hoặc hai đứa con đi học, đối với các gia đình CN là một thử thách rất lớn” - ông Tài nói.
60% số công nhân phải sống xa con
Cứ 10 gia đình CN, có 6 gia đình phải gửi con về quê để đi học, bởi chi phí cho một đứa trẻ ăn học ở quê thấp hơn trên thành phố. Hơn nữa, không phải chăm con, bố mẹ mới có thêm thời gian để đi làm thêm, tăng thêm thu nhập. Như vậy, có 60% số CN phải sống xa con.
Để có thể trụ lại ở thành thị, công nhân phải thắt lưng buột bụng trong chi tiêu Ảnh: NGUYỄN LUÂN
Với tổng thu nhập gần 9 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị Phương. CN KCN Tân Bình, TPHCM) chọn phương án gửi con gái lớn về quê Hà Tĩnh cho ông bà nội, đứa con gái nhỏ mới 12 tháng tuổi gửi về cho ông bà ngoại. Hằng tháng, anh chị gửi mỗi bên 1,5 triệu đồng để ông bà lo ăn uống cho các con.
“Đầu năm học, vợ chồng tôi gửi nhiều tiền hơn vì phải sắm áo quần, sách vở, đóng các khoản phí... Sinh con ra mà không được gần con, ngày đầu tiên con bước chân vào lớp một mà không được vẫy tay chào con, nghĩ mà buồn. Nhớ mình hồi nhỏ, đi học có bố dẫn đi mà còn khóc ré lên, vậy mà bây giờ con mình một mình đến lớp. Nhưng bố mẹ làm CN thì con phải chịu, ở lại thành phố, vợ chồng tôi không kham nổi” - anh Ngọc - chồng chị Phương - rầu rĩ nói.
Theo chị Phương, gửi con về quê dù gia đình chị phải xa nhau, nhưng đó là cách duy nhất để tiết kiệm chi phí, vẫn đảm bảo bố mẹ tăng ca được, con cái vẫn được học hành. “Mức lương cơ bản (LCB) mà công ty tôi đang áp dụng là 3,4 triệu đồng/tháng, các khoản phụ cấp như nhà trọ, xăng xe, chuyên cần thêm được 500.000 đồng/tháng, mỗi ngày tôi đều mong được tăng ca để có thêm được chút đỉnh. Hai vợ chồng “cày” tăng ca đều, mỗi tháng được hơn 9 triệu đồng, tằn tiện, chắt chiu mới đủ. Đó là tháng được tăng ca đều, chứ tháng nào không tăng ca, vợ chồng tôi phải nhịn ăn để tiền nuôi con” - chị Phương chia sẻ.
“Thắt lưng buộc bụng”
“Thắt lưng buộc bụng”, tính toán đến từng túi muối, quả trứng và bó rau, những gia đình CN mới mong có thể bám trụ được với công việc, lo cho con cái đi học, nhưng những đứa trẻ là con CN sẽ luôn chịu nhiều thiệt thòi. Vào TP HCM làm CN đã 10 năm, nhưng đến giờ vợ chồng chị Nga (KCX Tân Thuận) vẫn gần như tay trắng. Mức lương CN may của chị hiện nay được hơn 5 triệu đồng/tháng, chồng làm lao động tự do, thu nhập bấp bênh, trầy trật lắm vợ chồng chị mới trụ lại được.
Chị kể: “Thuê nhà cách KCX gần 5 cây số, thường xuyên đăng ký tăng ca đến 20, 21h nhưng dường như cũng không ăn thua! Chỉ tính tiền học cho con mỗi tháng đã hết 1,5 triệu đồng, cha mẹ hai bên đã già yếu nên thỉnh thoảng vợ chồng tôi có gửi về biếu cha mẹ ít tiền mua sữa, mua đường, trong khi chi phí sinh hoạt cứ tăng ngày một, lương vừa lĩnh ra đã thấy hết. Tôi không nỡ xa con nên để con ở lại thành phố học nhưng không biết cầm cự được bao lâu nữa. Nếu bí bách quá cũng phải gửi con về quê”.
“Với mức lương của CN hiện nay, người độc thân mới mong sống được, còn như chúng tôi có tiết kiệm mấy cũng chẳng đủ. Tôi mong LTT tăng kha khá để bớt tăng ca mà dành thời gian chăm lo cho gia đình” - chị Nga bộc bạch.
Bà Phạm Thị Bích Hải - Chủ tịch CĐ Công ty TOTO Việt Nam, nói: “Mức lương tối thiểu (LTT) vùng I là 3,1 triệu đồng rất khó có thể đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, chưa nói đến việc NLĐ phải nuôi cha mẹ và con cái, và như vậy, không có tích lũy. Vừa qua, chúng tôi có điều tra mức chi tiêu thông thường của NLĐ, cho thấy, mức LTT vùng hiện tại không thể đáp ứng được cuộc sống của NLĐ, dù NLĐ đó sống độc thân và không phải thuê nhà trọ (sống cùng bố mẹ).
Đối với những NLĐ sống độc thân này, mức LTT vùng I phải tăng thêm 25% mới có thể đủ cho các nhu cầu sống thiết yếu. Với mức LTT vùng hiện tại, NLĐ chắc chắn sẽ phải chi tiêu eo hẹp, hoặc tìm các công việc làm thêm ngoài giờ, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ, không thể đủ chi phí nuôi con. Những lúc bản thân mình hoặc người thân bị bệnh tật, ốm đau, NLĐ sẽ phải đương đầu với khó khăn lớn.
Công ty TOTO cũng có những hình thức hỗ trợ cuộc sống cho NLĐ như điều chỉnh mức LTT của công ty cao hơn mức quy định của Nhà nước; điều chỉnh trượt giá theo CPI nhà nước công bố. Năm 2015, mức LTT của DN là xấp xỉ 3,7 triệu đồng; đồng thời hỗ trợ bằng các trợ cấp như trợ cấp nhà ở, trợ cấp đi lại (tương đương khoảng 15% so với mức lương cơ bản hiện tại của DN). "Ngoài ra, DN còn hỗ trợ những khoản khác, như trợ cấp thâm niên, trợ cấp gia đình (đối với những người đã có gia đình), trợ cấp con nhỏ (với những người có con dưới 6 tuổi); trợ cấp chuyên cần… để làm giảm gánh nặng cuộc sống cho NLĐ” , bà Hải cho biết thêm.
Bình luận (0)