Theo thống kê trong vòng 4 năm qua, đã có khoảng 2,5 triệu lao động xin lĩnh BHXH một lần, tức là có 2,5 triệu người ra khỏi hệ thống an sinh này.
Mỗi năm có trên 600.000 người nhận BHXH một lần
Theo BHXH Việt Nam, trong khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm bình quân có khoảng trên 600.000 người nhận BHXH một lần; trong đó có khoảng 100.000 người là quân nhân, công an nhân dân. Tính trong năm 2016 đã có 665.306 người lao động hưởng BHXH 1 lần, đồng nghĩa với việc số người lao động (NLĐ) này đã ra khỏi lưới an sinh xã hội có nguy cơ không bảo đảm được cuộc sống khi về già.
Theo ông Điều Bá Được - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, với những lao động trẻ, lao động chưa qua đào tạo nghề tập trung ở những vùng sử dụng nhiều lao động, dễ dàng di chuyển lao động, tìm kiếm việc làm thì NLĐ có xu hướng xin hưởng BHXH 1 lần nhiều hơn. Bên cạnh đó, đời sống của NLĐ hiện nay trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương thực tế còn thấp nên NLĐ muốn lấy BHXH 1 lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt mà họ chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già. Nhiều NLĐ từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài, họ làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng BHXH để làm vốn về quê làm ăn.
"Có nhiều người lo sợ sẽ có nhiều rủi ro, trượt giá, rồi sẽ mất hết quyền lợi nên chỉ muốn cầm tiền trước trong tay cho chắc. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích chính sách chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời nên NLĐ chưa hiểu cặn kẽ được ý nghĩa, mục đích của các quy định mới của luật BHXH năm 2014, đặc biệt là quy định về giải quyết BHXH một lần"- ông Được cho biết.
Ai hưởng lợi?
Thực tế thi hành Quyết định 176/HĐBT ngày 9-10-1989 của HĐBT vào đầu những năm 1990, có nhiều NLĐ sau khi nhận BHXH một lần lại mong muốn hoàn trả lại quỹ BHXH phần họ đã nhận để tiếp tục thời gian làm việc và đóng BHXH nhưng pháp luật không cho phép. Đây là bài học và minh chứng rõ nhất cho các hệ lụy của NLĐ khi hưởng BHXH một lần.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc thanh toán BHXH một lần, ngoài ảnh hưởng đến quyền lợi khi về già của NLĐ thì ngay thời điểm thanh toán họ cũng phải chịu nhiều thiệt thòi. Bởi, hiện nay, theo qui định của pháp luật, tổng mức đóng bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng, trong đó NLĐ đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nhưng nếu hưởng một lần thì chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho 1 năm tham gia BHXH. Việc "lĩnh tiền non" chỉ ảnh hưởng quyền lợi của người tham gia BHXH chứ không ảnh hưởng đến quỹ BHXH. Theo một nghiên cứu, chỉ có 5% số người lĩnh BHXH một lần khởi nghiệp thành công, phần còn lại sẽ tiêu hết số tiền BHXH được hưởng trong thời gian ngắn.
Nhiều người lo ngại, khi tham gia BHXH, đồng tiền trượt giá, họ sẽ không được đảm bảo quyền lợi. Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong nhiều năm qua, kể từ khi chính sách BHXH được thực hiện, mức lương hưu cũng không ngừng được điều chỉnh cho phù hợp với mức sống chung của toàn xã hội. Vào các thời điểm tăng mức lương tối thiểu chung cũng như việc xem xét chỉ số giá cả, Nhà nước đều có sự điều chỉnh lương hưu một cách hợp lý.
Đơn cử, theo qui định tại Thông tư số 42 thì một người đóng 1 triệu đồng tiền BHXH ở năm 1994 thì đến năm 2017 khi về hưu số tiền này sẽ được điều chỉnh thành 4,4 triệu đồng khi tính mức lương hưu; trong giai đoạn 2003-2006, Chính phủ đã 14 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 7,4 đến 9,2 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 2002.
Ngoài ra, khi NLĐ về hưu, được cấp thẻ BHYT, không may ốm đau được thanh toán và có trường hợp khi đi khám chữa bệnh đã được quỹ thanh toán số tiền hàng tỷ đồng. Khi qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm NLĐ chết, thân nhân còn được hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng; trường hợp có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì tối đa được 4 định suất trong đó con nhỏ được hưởng cho đến khi trưởng thành, cha mẹ già hưởng cho đến khi qua đời.
Bình luận (0)