Dự án Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được đưa ra Quốc hội ngay trong bối cảnh cả doanh nghiệp (DN) và NLĐ đang gần như "nín thở" chờ các quốc gia tiếp nhận lao động mở cửa trở lại. Nằm trong chương trình nghị sự đã được lên kế hoạch, dự án luật lần này rất được các DN xuất khẩu lao động (XKLĐ) kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích thời kỳ hậu dịch Covid-19.
Chuyên nghiệp hóa hoạt động xuất khẩu lao động
Trình bày trước Quốc hội về dự án Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) vào ngày 21-5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.
Lao động từ Nhật Bản trở về được Công ty TNHH Esuhai đào tạo để trở thành quản lý
Luật đã bổ sung hình thức NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Đồng thời, bổ sung khai báo thông tin trực tuyến thông tin của NLĐ giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh vào quy định về NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Ông Huỳnh Ngọc Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhân lực Quốc tế Sovilaco (quận Tân Bình, TP HCM), nhận định những thay đổi đáng kể trong dự luật lần này cho thấy quyết tâm chuyên nghiệp hóa hoạt động XKLĐ của Bộ LĐ-TB-XH, thể hiện rõ ràng quyền và nghĩa vụ của DN XKLĐ cũng như quyền và nghĩa vụ của NLĐ. "Thay đổi trong dự án luật lần này sẽ giúp DN chủ động hơn trong hoạt động xúc tiến thị trường, hợp tác, đào tạo, phái cử... Tuy nhiên, những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra khá lớn cho các DN XKLĐ, nên trước mắt DN cần ổn định để chuẩn bị cho các hoạt động phía trước sau khi các nước dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh" - ông Thông bày tỏ. Với những nỗ lực của Bộ LĐ-TB-XH, ông Thông cho rằng khi được Quốc hội thông qua, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) sẽ tạo nên cú hích cho hoạt động XKLĐ và nâng cao vị thế của NLĐ Việt Nam trên các thị trường lao động thế giới.
Loại bỏ doanh nghiệp làm ăn chụp giật
Đại diện nhiều DN XKLĐ tại TP HCM cho rằng dự án luật sửa đổi lần này nêu rõ DN XKLĐ phải có đủ các điều kiện được thành lập, hoạt động theo Luật DN, có 100% vốn góp của nhà đầu tư trong nước, có vốn điều lệ từ 5 tỉ đồng trở lên, thường xuyên duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn 5 tỉ đồng. DN phải thực hiện ký quỹ 2 tỉ đồng tại ngân hàng thương mại và số tiền này sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp DN không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Việc làm này sẽ loại bỏ những DN làm ăn chụp giật, lừa đảo vốn nhức nhối lâu nay gây ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ. Việc siết chặt các điều kiện như vậy sẽ giúp những DN làm ăn tốt có cơ hội vươn lên, làm điểm tựa an toàn cho NLĐ, góp phần xây dựng hình ảnh NLĐ Việt Nam tốt đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết với những quy định càng chặt chẽ thì DN càng nghiêm chỉnh chấp hành và NLĐ cũng được bảo đảm an toàn, chọn đúng ngành nghề, đúng nguyện vọng. "Tuy nhiên, phải làm sao để tận dụng cho được hiệu quả chất xám, kỹ năng, chuyên môn của NLĐ khi họ hết hạn trở về nước. Những NLĐ này phải được xem là nguồn nhân lực chất lượng, là tài nguyên của quốc gia sau một thời gian rèn luyện, học tập, nâng cao tay nghề ở nước ngoài về được bổ sung vào lực lượng lao động của nước nhà. Họ chính là lực lượng lao động vô cùng quan trọng trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là khu vực công nghiệp phụ trợ" - ông Sơn nhấn mạnh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-5
Nâng cao giá trị lao động cho NLĐ
Tại phiên thảo luận của Quốc hội vừa qua về dự Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng phải đặc biệt quan tâm tới ngành nghề đưa lao động ra nước ngoài làm với định hướng hạn chế lao động giản đơn, chuyển sang ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn. "Thay vì sang Trung Đông là làm nghề xây dựng, đi Đài Loan làm giúp việc, nên có thêm nhiều kỹ sư dầu khí Việt sang Kuwait làm với mức lương 10.000 - 20.000 USD/tháng", Chủ tịch Quốc hội gợi ý. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cần phải thay đổi tư duy, không phải ra đi bằng mọi cách mà cần nâng dần tiêu chuẩn, người nào phải đạt trình độ nhất định mới được ra nước ngoài làm việc. Đó là cách tốt nhất để nâng chất lao động Việt và nâng cao giá trị cho NLĐ ra nước ngoài làm việc.
Bình luận (0)