Khó khăn chung của toàn ngành xuất khẩu lao động (XKLĐ) là không thể tránh khỏi bởi dịch Covid-19 nhưng với nhiều doanh nghiệp (DN), đây là cơ hội để làm mới mình. Nhiều DN đã mạnh dạn mở rộng thị trường XKLĐ hướng đến các nước cho thu nhập cao hơn với điều kiện khắt khe hơn. Nhiều DN mạnh dạn nâng chất lượng tuyển sinh để dần xây dựng hình ảnh người lao động (NLĐ) Việt Nam có trình độ, có chuyên môn để họ có vị trí công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn.
Mở rộng thị trường
Dịch bệnh bùng phát khiến việc tuyển sinh, đào tạo ngưng trệ, hoạt động xuất cảnh đến hiện tại vẫn chưa được nối lại do lệnh cấm xuất nhập cảnh giữa Việt Nam và các nước có dịch bệnh vẫn chưa được dỡ bỏ khiến các DN XKLĐ chịu nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không vì thế mà các DN đầu hàng số phận.
Ông Vũ Trịnh, Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tokyo VNJ (quận Tân Bình, TP HCM), nhìn nhận dịch Covid-19 cho thấy một bài học quan trọng trong ngành XKLĐ. Đó là nguy cơ ngưng hoạt động một khi thị trường mà DN đưa lao động mình sang đóng cửa. Theo ông Trịnh, trước nay các DN XKLĐ đa phần chỉ khai thác một thị trường là một nước nào đó, ít có DN làm cùng lúc hai, ba thị trường. "Theo tôi, sau đại dịch này, nhiều DN XKLĐ phải tính toán và định hướng lại hoạt động để phù hợp hơn với tình hình mới. Như DN của tôi, trước đến giờ chỉ khai thác thị trường Nhật Bản nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi đã họp bàn, kết nối và hợp tác với nhiều đối tác khác để mở rộng thị trường thứ 2 là châu Âu" - ông Trịnh nói, đồng thời cho rằng Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mở ra nhiều cơ hội mới, trong đó có hợp tác về lao động có tay nghề và trình độ. Do đó, cơ hội cho lao động có tay nghề của Việt Nam tại châu Âu là rất lớn trong tương lai gần. Đưa điều dưỡng sang Đức là hướng đi mới của Tokyo VNJ ngay sau khi hết giãn cách xã hội.
Tìm thị trường mới và nâng chất đầu vào là nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động khi dịch Covid-19 lắng xuống
Đã nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ, ông Trần Anh Quang Thanh, Giám đốc chi nhánh TP HCM (quận Tân Bình) của Công ty TNHH Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực PITSCO, cho biết chưa bao giờ gặp hoàn cảnh này và cũng chẳng bao giờ nghĩ có loại dịch bệnh như vậy. Trong nguy có cơ và chính giai đoạn giãn cách xã hội, mọi hoạt động của DN bị ảnh hưởng như vậy mới thấy được tầm quan trọng của đối tác. Đối tác tin cậy luôn có nhau trong khó khăn nhưng cũng chính vì nhiều đối tác đã phải chia tay do khó khăn lại là cơ hội cho DN của ông mở rộng hoạt động. "Họ tin tưởng vào tương lai không xa, dịch bệnh sẽ được kiểm soát và mọi hoạt động sẽ trở lại bình thường. Chúng tôi cũng vậy nhưng chúng tôi cố gắng vượt qua khó khăn, mở rộng đối tác, chuẩn bị cho các hợp tác mới ở tầm cao hơn. Hiện các đơn hàng của chúng tôi đã nhiều lên và việc tuyển sinh cũng đang thuận lợi" - ông Thanh nói.
Đổi mới để tồn tại
Ông Đinh Thanh Bình, phó giám đốc một DN XKLĐ lớn ở TP HCM, cho rằng muốn hay không muốn thì DN XKLĐ phải thay đổi để tồn tại. Theo ông Bình, ít nhất là đến tháng 10-2020 mọi việc mới diễn ra một cách bình thường và như vậy các DN XKLĐ có gần một năm đầy khó khăn. Dịch Covid-19 và dự án Luật NLĐ Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng (sửa đổi) đang trình Quốc hội sẽ điều hướng ngành XKLĐ đi lên theo chiều tích cực hơn.
Ông Bình nhận định nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều khả năng các công ty tại Nhật sẽ không còn nhu cầu nhận lao động hoặc chỉ nhận một phần. Hơn nữa, các công ty tiếp nhận lao động tại Nhật thường có quy mô vừa và nhỏ, nếu không duy trì được sản xuất thì nghiệp đoàn (tổ chức đại diện cho NLĐ) sẽ chuyển NLĐ sang công ty khác. Nhưng nếu dịch kéo dài hơn nữa, việc tìm thêm công ty tiếp nhận sẽ khó khăn dù nghiệp đoàn rất nỗ lực. Do đó, DN phái cử buộc phải có hướng đi mới nếu tình hình không khả quan. "Tôi cho rằng lao động phổ thông sẽ gặp khó khăn nhưng lao động có tay nghề chắc chắn có cơ hội hơn. Đó là lý do chúng tôi đẩy mạnh tuyển dụng kỹ sư, điều dưỡng viên, hộ lý đến các nước làm việc. Nhu cầu của nhiều nước như Nhật, Đức, Ba Lan về nhân lực các ngành này còn rất lớn. Do đó, chúng tôi sẽ chuyển sang hướng này để nâng chất lao động Việt. Đây cũng là điểm thay đổi quan trọng trong dự Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng mà Quốc hội đang xem xét" - ông Bình nhấn mạnh.
Bà Phạm Hoài Phượng, Giám đốc tuyển sinh của Công ty CP Đối tác NQĐ Partner (quận Bình Tân, TP HCM), khẳng định lao động Việt ra nước ngoài làm việc cần phải được đào tạo kỹ về ngôn ngữ và tay nghề. Việc Đức vẫn cấp visa và cho nhập cảnh đối với điều dưỡng viên sang đây ngay trong mùa dịch cho thấy các thị trường khó tính và lớn như Đức luôn chào đón lao động có tay nghề. Do đó, sau "sự cố Covid-19", theo bà Phượng, nhiều DN XKLĐ sẽ phải mở lối đi riêng để phát triển vững bền hơn.
Không chạy theo số lượng
"Lao động một số nước có ngoại ngữ tốt, chuyên môn cao, lại nắm vững phong tục nước sở tại. Trong khi có hiện tượng lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đánh nhau, rượu chè, cờ bạc, ảnh hưởng đến sĩ diện quốc gia. Cần kiểm soát tốt việc này, NLĐ đạt trình độ, đủ điều kiện mới cho đi, chứ không đưa đi kiểu chạy theo số lượng, với bất cứ giá nào" - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề xuất.
Kỳ tới: Cởi mở với luật sửa đổi
Bình luận (0)