Sáng 25-9, tại Trụ sở Chính phủ, Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức buổi làm việc về kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2018, trọng tâm phối hợp công tác năm 2019-2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cùng chủ trì.
Nhiều chương trình phúc lợi cho đoàn viên
Báo cáo kết quả phối hợp, ông Nguyễn Đình Khang khẳng định trong những năm qua, mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày càng chặt chẽ; nhiều vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân (CN) và hoạt động Công đoàn (CĐ) được Chính phủ quan tâm giải quyết kịp thời; việc làm, đời sống, thu nhập của CNVC-LĐ được cải thiện. Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ, ngành tăng cường phối hợp trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, trọng tâm là Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Luật CĐ (sửa đổi)… Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham gia tích cực và chủ động với vai trò thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, thống nhất đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 5,5%. Ngoài ra, Chính phủ và các bộ ngành, cấp ủy địa phương đã dành nhiều sự quan tâm đến hoạt động của tổ chức CĐ. Nhân dịp Tháng CN, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của CN các KCN vùng đồng bằng sông Hồng tại Hà Nam và CN kỹ thuật cao tại TP HCM.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Ông Nguyễn Đình Khang cho biết trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019 đã có trên 4,6 triệu lượt đoàn viên, người lao động (NLĐ) được hỗ trợ Tết với tổng số tiền trên 3.024 tỉ đồng. Chương trình Tết Sum vầy, chương trình phúc lợi đoàn viên CĐ đạt kết quả tích cực, tổng số đoàn viên được hưởng lợi là gần 2,8 triệu lượt người với số tiền hưởng lợi ước khoảng trên 563 tỉ đồng. Về Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế CĐ tại các KCN-KCX" được xúc tiến ở những địa phương tập trung đông CN, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tích cực làm việc với 33 tỉnh, TP để thống nhất quỹ đất, thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư thiết chế CĐ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tại tỉnh Hà Nam, dự kiến trong quý IV/2019 sẽ bàn giao những căn hộ đầu tiên cho đoàn viên là CN.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, đến nay có một số nội dung công việc được Thủ tướng kết luận năm 2018 nhưng trong quá trình phối hợp thực hiện vẫn còn khó khăn, vướng mắc, chưa đạt nhiều kết quả, cụ thể như: Về hỗ trợ cơ chế chính sách liên quan đến dự án đầu tư xây dựng thiết chế của CĐ; tăng nguồn vốn ngân sách để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội tại 50 thiết chế của CĐ. Nguyên do trong quá trình thực hiện, đề án chịu sự điều chỉnh cùng nội dung của nhiều bộ luật, như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công.
Vì mục tiêu công nhân có nhà ở
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác phối hợp giữa Chính phủ và CĐ ngày càng được tăng cường, đạt được những kết quả thiết thực. Thời gian qua, các thiết chế CĐ đã được xây dựng ở nhiều nơi, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Thủ tướng mong muốn tại buổi làm việc này, những vấn đề năm qua đã làm được, làm tốt thì tiếp tục phát huy, nhất là vấn đề nhà ở cho CN, nhà ở xã hội. Đồng thời, những vấn đề còn vướng mắc thì sẽ cùng bàn bạc, tháo gỡ, vì mục tiêu CN có nhà ở, bảo vệ quyền lợi NLĐ. "Hướng giải quyết đã có. Chúng ta phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc để thực hiện. Không thể vì lúng túng về thể chế mà không triển khai được thiết chế CĐ" - Thủ tướng chỉ đạo.
Trước đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc bố trí thêm nhân lực, điều kiện vật chất để thực hiện việc khám chữa bệnh theo chế độ BHYT ngoài giờ làm việc cho CN, Thủ tướng cho rằng đây là yêu cầu thiết thực và giao Bộ Y tế nghiên cứu, trao đổi, hướng dẫn để bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh cho CN.
Về cơ chế, chính sách liên quan đến dự án đầu tư xây dựng thiết chế của CĐ, Thủ tướng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tập trung triển khai đầu tư thí điểm một dự án thiết chế CĐ tại tỉnh Hà Nam, để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.
Với những vướng mắc, khó khăn mà tổ chức CĐ nêu ra trong quá trình triển khai liên quan đến cơ chế chính sách như cơ chế giao đất; chủ thể ký hợp đồng cho thuê, bán căn hộ; nguồn vốn…, Thủ tướng cho rằng địa phương cần quan tâm vấn đề nhà ở cho CN, trong đó có việc bố trí quỹ đất, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của địa phương. "Bây giờ tôi nói ví dụ như là những siêu thị bán lẻ cho CN làm ngoài giờ thì khuya họ mới về nên phải có người trực để bán hàng. Người có thẻ đoàn viên thì giảm 3%-5% để ưu tiên, từ bó rau đến thực phẩm khác. Quyền lợi của NLĐ trong chuyện này rất quan trọng mà chúng ta là người giải quyết, để đưa thiết chế CĐ vào cuộc sống" - Thủ tướng nói.
Nhìn nhận đời sống của một bộ phận NLĐ vẫn còn khó khăn, Thủ tướng đề nghị tổ chức CĐ và các cấp chính quyền, bộ ngành phải tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ. "Chúng ta lo chuyện xa xôi, lo việc lớn là cần thiết, còn những việc nhỏ nhưng rất thiết thực, cụ thể như bữa ăn hằng ngày, an toàn thực phẩm cho NLĐ… chúng ta phải chú ý và tiếp tục quan tâm" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Ưu tiên giải quyết quyền lợi cho người lao động
Đặc biệt, với kiến nghị của CĐ về giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ ở những DN bị phá sản, chủ DN bỏ trốn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải ưu tiên giải quyết chế độ cho NLĐ. "Chúng ta rà lại thể chế, xem vướng mắc ở đâu. Nếu vượt thẩm quyền thì đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi. Mọi chính sách, quyền lợi phải ưu tiên giải quyết trước hết cho NLĐ" - Thủ tướng nêu quan điểm.
Bình luận (0)