Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2023, cụ thể là quý I và II, dự báo tình trạng thiếu lao động cục bộ sẽ tiếp diễn. Ước tính nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) là khoảng 350.000-400.000 lao động ở các lĩnh vực khác nhau.
Giải bài toán đào tạo nghề
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nhấn mạnh: "Ngoài việc ổn định tiền lương và phúc lợi, các DN cần phải chú trọng đào tạo lại lực lượng lao động, đặc biệt là đào tạo đội ngũ có chất lượng chuyên môn và kỹ năng cao để đáp ứng được yêu cầu của DN. Đó cũng là cách DN giữ chân người lao động (NLĐ)".
Ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc (quận 7, TP HCM), hướng dẫn công nhân vận hành máy .Ảnh: HUỲNH NHƯ
Thực trạng NLĐ lớn tuổi ở DN giải thể, ngừng hoạt động khó kiếm việc ở các tỉnh, thành phía Nam đã phác họa toàn cảnh bức tranh việc làm. Năng suất lao động thấp, độ tuổi không còn trẻ đã thu hẹp cơ hội tìm việc của đối tượng này. Sớm nhận ra vấn đề ấy nên nhiều DN đã chủ động đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, kèm theo chính sách đào tạo nghề cho NLĐ.
Chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí chất lượng cao xuất sang thị trường Nhật Bản, New Zealand, Mỹ, Singapore... nên Công ty TNHH CNS Amura Precision (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) đặc biệt coi trọng việc tuyển dụng và đào tạo lao động. Bà Nguyễn Hoàng Phượng Linh, Giám đốc nhân sự công ty, cho biết đối với lao động kỹ thuật, tùy vị trí làm việc, DN sẽ đào tạo từ 2-6 tháng. Quá trình hòa nhập của NLĐ được theo dõi, đánh giá với các tiêu chuẩn riêng, đòi hỏi người thợ phải nỗ lực không ngừng mới trụ lại được DN.
Công ty TNHH CNS Amura Precision còn đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại nhằm tạo điều kiện cho NLĐ có cơ hội nâng cao kiến thức chuyên môn và cọ xát, nâng cao tay nghề. Với chính sách đào tạo căn cơ này, DN luôn sở hữu lực lượng lao động có tay nghề cao, đủ sức làm chủ công nghệ hiện đại khi mở rộng sản xuất.
Công ty TNHH Lập Phúc (quận 7, TP HCM) nhiều năm qua được biết đến là DN không chỉ có chế độ lương, thưởng, phúc lợi tốt mà còn quan tâm đào tạo nghề cho NLĐ. Ngoài việc đầu tư hàng tỉ đồng nhập máy móc, thiết bị hiện đại, hằng năm, công ty còn lên kế hoạch đào tạo nghề cho công nhân (CN). Nhân viên kỹ thuật tay nghề cao trực tiếp bồi dưỡng kiến thức và hướng dẫn thực hành cho CN, giúp họ tự tin hơn trong thao tác. Tùy hiệu quả công việc, NLĐ được xét tăng lương 1-2 lần/năm.
Anh Phùng Tuấn Khanh, một cán bộ quản lý xuất thân từ CN, bày tỏ: "Ngoài cơ chế lương, thưởng thỏa đáng, Công ty Lập Phúc còn tạo cơ hội thăng tiến cho NLĐ. Điều này đã tạo động lực làm việc cho chúng tôi".
Tăng cường hỗ trợ người lao động
Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho biết tính đến ngày 31-1, tỉ lệ DN hoạt động trở lại là 93%, NLĐ vào làm việc 95% (khoảng 2,65 triệu người/2,8 triệu người). Theo Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cuối năm 2022, một số DN gặp khó khăn trong sản xuất nên nhiều NLĐ có suy nghĩ khác các năm trước. Tình trạng chuyển đổi việc làm sau Tết không còn là xu hướng như các năm, NLĐ mong muốn ổn định việc làm trước tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Để hỗ trợ NLĐ tìm việc, Sở LĐ-TB-XH sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các KCX-KCN thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố và các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình lao động tại các DN. Sở cũng sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức phiên giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động, trong đó chú trọng kết nối lao động ở các tỉnh đến TP HCM để tư vấn, giới thiệu việc làm.
Trong tháng 2-2023, trên địa bàn TP HCM sẽ có nhiều hoạt động giao dịch việc làm. Điển hình, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Thanh Niên TP HCM sẽ tổ chức Chương trình Tiếp sức NLĐ để kết nối NLĐ tại khu vực Nam Bộ. Ngoài ra, nhiều phiên, sàn trực tuyến sẽ được Trung tâm DVVL TP HCM tổ chức để DN và NLĐ ở các tỉnh - thành gặp gỡ, trao đổi, giải quyết nhu cầu lao động trong quý I/2023.
Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL TP, cho hay trong năm 2023 sẽ tổ chức 48 phiên giao dịch việc làm định kỳ. Trong đó, trung tâm sẽ thực hiện từ 2 đến 3 phiên di động, nhằm kết nối DN với nguồn nhân lực tại địa phương. Đây là điểm mới trong tư vấn việc làm tại Đà Nẵng nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối người cần việc với người sử dụng lao động.
Ngoài ra, Trung tâm DVVL TP Đà Nẵng còn tuyên truyền và cung cấp thông tin thị trường lao động đến các phường, xã để NLĐ sớm tiếp cận. Mỗi tháng, trung tâm còn phối hợp cùng với các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên tổ chức phiên giao dịch việc làm online nhằm kết nối, hỗ trợ tối đa cho NLĐ ở các địa phương với DN tại Đà Nẵng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-2
Nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương rầm rộ tuyển dụng lao động
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, đến nay, 255 DN với gần 400.000 NLĐ trên địa bàn đã bắt đầu làm việc trở lại sau đợt nghỉ Tết dài ngày. Khảo sát cho thấy các DN đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 10.000 lao động. Các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn là: Công ty TNHH Panko Vina (KCN Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát) cần 1.200 người, Công ty TNHH Giày Vĩnh Nghĩa (thị xã Bến Cát) cần 1.700 người, Công ty TNHH Sản xuất - Xuất khẩu KVB (KCN Mỹ Phước 2, thị xã Bến Cát) và Công ty TNHH Yazaki EDS (TP Dĩ An) mỗi DN cần tuyển 500 lao động.
Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương cho biết 80% nhu cầu tuyển dụng là lao động phổ thông. Ngành nghề chủ yếu được tuyển dụng vẫn là may mặc, giày da, điện tử, cơ khí, ngũ kim, một số ngành dịch vụ...
Bình luận (0)